Anh Điền là bảo vệ ở cơ quan tôi, một văn phòng đại diện cơ quan báo chí đặt tại TP Hồ Chí Minh. Nhà anh ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An. Một tuần anh trực ba buổi, từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau. Ngày nào trực, anh Điền chạy xe máy hơn 30 km từ Tân Trụ lên TP Hồ Chí Minh, hết ca lại chạy về Tân Trụ. Ngoài công việc bảo vệ, anh vẫn làm ruộng như nhiều người khác trong ấp. Vì thế, tuy là nhân viên tòa báo nhưng anh vẫn là nông dân chính hiệu.
Tôi từ miền Bắc vào Nam thường trú, vốn từ xưa đã mê mẩn những cảnh bắt cá bắt rắn ở đồng quê miệt vườn Nam bộ, nên nghe anh Điền rủ, tôi đồng ý ngay.
Cắm câu là thú vui ở miệt vườn Nam bộ.
Căn nhà của gia đình anh Điền cũng giống như bao căn nhà khác ở xứ này, xây mái bằng một tầng chia ra nhiều phòng, trước nhà trồng mai, mẫu đơn, thêm bộ bàn ghế đá ngồi uống nước, sau nhà có cái ao nuôi cá tra, cá rô phi kèm thêm vườn cây, chuồng nuôi vịt.
Anh Điền rút xuống từ mái bếp một bó cần câu, mỗi chiếc dài chừng 1 m có gắn dây và lưỡi câu. “Chờ lúc xẩm tối, đi cắm quanh bờ ruộng, bờ kênh, lúc sau quay lại là có cá”, anh nói.
Chúng tôi vác cuốc đi đào đất kiếm mồi cắm câu. Mồi là giun đất, loại to gần bằng ngón tay út mà anh Điền gọi là trùn hổ. “Cắm loại này vừa bền mồi, không lo bị cá con phá rỉa, lại hấp dẫn bọn lóc đen, lóc bông”, anh Điền giải thích.
Chừng 6h chiều, nắng đã nhạt, hai anh em bắt đầu ôm bó cần, xách xô đựng mồi tiến ra cánh đồng trước mặt. Bây giờ đang là mùa khô ở miền Nam, sau vụ gặt, người ta vẫn để nguyên cuống rạ. Những bờ ruộng khô khốc, kéo dài tít ra đằng xa. “Vào mùa mưa thì cắm ở bờ ruộng nước cũng có ăn, nhưng nay ruộng cạn, ta chỉ có thể cắm câu ở các bờ kênh bờ mương”, anh Điền bảo.
Cứ đi dọc bờ mương, cứ thấy chỗ nào hợp lý, anh Điền lại rút một cây cần câu, móc mồi, cắm sâu cây cần đã chuốt nhọn một đầu vào bờ đất. Anh bảo cần cắm câu làm bằng tre đực, để nguyên một lượt vỏ, đầu cần vót mảnh, dịu. Cây cần được cắm sao cho nó tạo ra với mặt nước một góc 45 độ. Như thế, khi con cá dính câu, dù nó có mạnh cỡ nào, cũng không thể nhổ được cần lên, và cũng không thể làm gãy ngọn vừa dẻo vừa dai. Sức đàn hồi của cước câu, của đầu cần tre khiến cá dần mệt, chịu treo lơ lửng trong nước chờ người đến hốt cho vào giỏ.
Nhưng với hơn 30 cây cần, cắm dọc ngang khắp cánh đồng, làm sao cần thủ có thể nhớ hết được vị trí của chúng? Anh Điền bảo “có cách”. Ấy là một khi cắm xong một cần, anh nhắm một cái cây gần cần câu, bẻ một cành nhưng không khiến nó gãy rời, mà để treo lủng lẳng trên cây để làm dấu. Chỗ nào không có cây bụi ở gần, anh quơ tay giật một vạt cỏ, hoặc lôi từ dưới nước lên một đám bèo để ngay gần lối đi. Lát nữa quay lại, chỉ cần nhìn cành cây gãy lủng lẳng hay đám cỏ, bèo để ngay trên lối đi, anh Điền biết đó là chỗ mình đã cắm câu.
Cắm hết hơn 30 cây cần thì cũng là 7h tối. Hai anh em về nhà tắm rửa, ăn vội bát cơm cùng món thịt kho hột vịt, loáng cái đã 9h tối. “Đến giờ thu hoạch rồi đây”, anh Điền bảo.
Chúng tôi hai người hai đèn pin đội đầu, người xách thùng đựng cá, người xách xô đựng trùn hổ, đi kiểm tra đám cần cắm hồi chiều. Cần thứ nhất còn nguyên mồi.
Cần thứ hai hết mồi nhưng không dính cá. Anh Điền thay mồi mới rồi giục tôi đi tiếp. “Dính rồi”, anh Điền reo lên. Theo ánh đèn pin của anh, tôi thấy cây cần cong vút, dây cước căng thẳng, đưa đi đưa lại. Có con gì đó dưới nước. Anh Điền tiến lại, nhấc đầu dây lên. Một chú cá lóc thân đen xì, bụng trắng lốp đang giãy giụa, con trùn hổ ăn dở thòi ra tứ mép con cá. “Con này nhỏ, chắc tầm 3 lạng”, anh Điền ước chừng.
Bỏ cá vào giỏ, thay mồi, chúng tôi đi tiếp. Anh Điền bảo cắm câu cá lóc bây giờ đối với anh là thú vui, nhưng ngày xưa, thời cha mẹ anh, đó là công việc kiếm ăn hằng ngày. “Trước cá nhiều và to, nay vẫn còn nhưng thưa hơn rất nhiều, cá cũng nhỏ hơn”, anh bảo.
Liên tiếp ba cây cần không có cá. Nhưng sau đó, chúng tôi gặp may: Thêm một cá lóc, một cá rô mề đen xì, mình đầy vây và vảy cứng. “Cá rô nhỏ cỡ ngón tay thì gọi là rô bí, loài này đem chiên giòn chấm mắm me, còn loại to 2-3 ngón tay gọi là rô mề”, anh Điền giảng giải. “Rô mề thì để nấu canh, kho hay nướng đều ngon tuyệt cú mèo”.
Lại có thêm một chú cá trê đồng vàng ươm, thứ đã lâu tôi không nhìn thấy. Ra chợ bây giờ thấy bán toàn cá trê lai mình đen chấm trắng, không thể thơm ngon như giống trê đồng có màu vàng đặc trưng này.
Thăm hết hơn 30 cây cần, chúng tôi thu được chừng 2 kg cá đủ loại, lóc, trê, rô đồng, nàng hai, thậm chí cả một con ếch cốm. Sau khi đã thay lượt mồi mới, hai anh em trở về. “Thường thì tầm 12h đêm sẽ ra thăm chuyến nữa, thay mồi rồi về nhà ngủ. 6h sáng hôm sau thu cá, thu cần”, anh Điền bảo.
Bây giờ mới đến tiết mục chế biến thành quả, gầy độ nhậu. Anh Điền kiếm ít que tre vót nhọn hai đầu, xiên cá lóc, cá trê từ đằng mồm xuống đến đuôi, một đầu nhọn cắm xuống sao cho miệng con cá gần sát đất. “Làm như thế thì khi nướng que tre mới không bị cháy”, anh Điền giải thích về cách nướng cá dân dã có từ thời khẩn hoang. Anh bảo khi xưa người dân đi làm đồng có khi chỉ mang ít cơm nắm và muối ớt. Ra đồng cắm ít cá lóc, đến trưa chẳng mổ chẳng rửa, cắm que xuống đất, quơ ít rơm rạ chất lên mà đốt. Rồi xuống bàu sen, hái ít ngó hoặc quơ ít bèo non làm rau. Thế cũng xong bữa trưa.
Sau khi phủ rơm lên đám cá, anh Điền bật diêm. Lửa cháy rừng rực trong chốc lát, mùi rơm khô cháy, mùi cá nướng bốc lên nức mũi.
Lửa tắt, nhưng than rơm vẫn đang hồng âm ỉ. Anh Điền bỏ đó, vào trong bếp lấy muối, ớt giã ra làm đồ chấm, ra sau nhà hái thêm mấy trái xoài xanh, nắm lá cóc non. Rồi anh cời than rơm lúc này đã tắt hẳn, dỡ lên đám cá nước còn nguyên que tre. Dùng đũa cạo qua lớp vảy cứng đã cháy thành than để lộ ra những con lóc, con trê chín đỏ bên trong, anh Điền bày tất cả lên bàn. Anh khe khẽ tách đôi con cá lóc đen thui để lộ ra phần thịt đang bốc hơi. Cá trê nướng thì thịt vàng, cá lóc thịt trắng, nhưng con nào cũng ngon ngọt, lại được khuyến mại thêm mùi rơm cháy hơi khét. Cuốn những miếng cá ấy với lá cóc non, thêm lát xoài xanh, chấm muối ớt, tợp thêm ngụm rượu gạo Long An, chỉ có thể nói là quá đã.
Lẽ ra sáng hôm sau tôi đã lên đường trở lại TP Hồ Chí Minh, nhưng hôm nay chưa phải là ca trực, anh Điền cố giữ tôi lại. “Hôm qua cắm câu rồi, nay chuyển qua bắt ếch nghen”, anh thủng thẳng.
“Đồng ruộng khô khốc, lấy đâu ra ếch mà bắt”, tôi hỏi. “Cứ đi theo anh khắc biết”, ông chủ nhà quả quyết.
Mùa khô ở miền Nam thường kéo dài đến tháng 5. Bây giờ tháng 3, ruộng khô trắng bạc cả một vùng. Không hiểu cha này bắt ếch kiểu gì.
Anh Điền lưng đeo giỏ tre, một tay xách thuổng, tay kia cầm cái móc bằng thép dài chừng 1m, một đầu uốn thành móc, một đầu uốn cong thành vòng tròn. Chúng tôi bước trên những đám chân rạ kêu lẹp xẹp. Bỗng anh Điền dừng lại bên bờ ruộng. “Nhìn này, đây là hang ếch. Chú có thấy vết chân như bàn tay xòe ở cửa hang không. Đây nữa, là cái khuỷu tay hắn tì xuống khi ngồi ở cửa hang”, anh Điền bảo. “Bọn ếch này ngày trú nắng trong hang, đêm mới ra bắt mồi, uống sương đêm. Muốn biết hang có ếch hay không, nhìn các vết hắn để lại cửa hang là rõ”.
Anh Điền lấy cây móc thép thọc vào hang, kéo ra kéo vào để cảm nhận con vật bên trong. “Có rồi, hắn đây rồi”, anh reo lên. Rồi thụt cây móc vài lần nữa, anh kêu: “Dính”. Rồi từ từ lôi lên một chú ếch vàng ươm, to cỡ bàn tay. “Một em vào rọ”, người đàn ông 42 tuổi reo lên với vẻ đắc thắng.
Hết buổi sáng, chúng tôi bắt được thêm 5 con nữa, còn nào cũng cỡ 2-3 lạng. Trưa hôm ấy, bọn trẻ đi học vắng, chị Điền đi làm ở công ty may. Chỉ còn hai anh em, chúng tôi làm hai món: Ếch nướng và nấu canh chua.
Chính vì hai con ếch nướng và nồi canh chua mà cho đến gần 9 giờ tối hôm ấy, tôi mới trở lại được TP Hồ Chí Minh.
Sau này tôi trở về Bắc, chuyển cơ quan, nên ít có dịp gặp anh Điền. Nhưng hai anh em thỉnh thoảng vẫn liên lạc, và anh Điền còn hẹn lúc nào vào chơi nhằm mùa mưa, anh sẽ lại dẫn tôi đi trải nghiệm các thú vui đồng ruộng khác của miệt vườn Nam bộ.
Trúc Mai