Ngày 12/11, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) có buổi làm việc thứ 3, trong vòng 1 tháng qua, để tìm tiếng nói chung, đi đến đồng thuận với người lao động của công ty nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại cuộc họp, ông Thắng thừa nhận những ứng xử trước kia của Ban lãnh đạo với người lao động của Hãng phim truyện Việt Nam là “chưa hợp lý với đặc thù môi trường nghệ thuật”. Ông khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian điều hành sắp tới.
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.
Ông Thắng chia sẻ, rất tiếc cho công ty khi các hãng phim khác đều được Nhà nước đặt hàng, thậm chí có hãng rất nhỏ cũng được cấp vốn để sản xuất phim. Vậy mà “cánh chim đầu đàn” - Hãng phim truyện Việt Nam lại rơi vào tình trạng bi đát, chẳng có đơn đặt hàng, người lao động thất nghiệp, công ty ngày càng thua lỗ do không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Công ty rất muốn sản xuất phim vì năng lực tốt, có bề dày kinh nghiệm, không có lý do gì không được làm. Nhưng muốn làm được thì ‘trong ấm ngoài mới êm’, lãnh đạo công ty và người lao động phải đồng thuận, gắn kết”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, sau cuộc họp lần thứ 3 này, công ty sẽ chủ động khôi phục lại sản xuất, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng đã cũ nát, không chờ thoái vốn. Bởi nhiều năm qua các cơ quan chức năng chưa có phương án để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn, trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động và nộp tiền thuê đất hàng năm cho Nhà nước.
“Ai tâm huyết với Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi chào đón ở lại. Người nào không muốn hợp tác, chúng tôi đành vui vẻ tìm người khác thay thế”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, người lao động và cổ đông chiến lược cho rằng “những người ngồi ở đây tới cuộc họp lần thứ 3 đều rất thiện chí để cùng công ty bàn cách tháo gỡ các khúc mắc nhằm khôi phục lại sản xuất”.
Một cổ đông lớn của công ty bày tỏ nỗi buồn, suốt 8 năm qua, “cô gái đẹp” - là Hãng phim truyện Việt Nam đang hấp hối. Giải pháp duy nhất là cứu cô gái đó “phải sống, bởi chết là hết, các cổ đông đều bị thiệt hại nặng nề”. Muốn vậy, chỉ còn cách là cùng nhau đồng thuận để khôi phục sản xuất, tự cứu lấy mình.
Trường quay của Hãng phim truyện I, số 4 Thụy Khuê.
Tại cuộc họp, 18/20 người lao động kiến nghị: Công ty đóng nối bảo hiểm cho người lao động bắt đầu bằng mức họ được hưởng ở thời điểm hiện tại; Hỗ trợ cho những người bị cắt lương, bảo hiểm mỗi năm 2 tháng lương, số tiền hỗ trợ bằng số tiền lương mà từng cá nhân đang hưởng trước khi bị cắt bảo hiểm, tiền hỗ trợ có thể chia thành nhiều đợt, thời gian hỗ trợ trong vòng 1 năm;
Công ty đảm bảo chế độ lương cho người lao động tối thiểu là 12 tháng, sau 12 tháng hoặc theo tình hình thực tế của công ty để điều chỉnh; Công ty đưa ra lộ trình xây dựng và phát triển hãng, thời gian tối thiểu là 5 năm;
Mọi thỏa thuận giữa công ty và người lao động phải có sự chứng kiến của bên thứ 3 - là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Có 2/20 người đề nghị công ty hoàn trả lương, bảo hiểm… cho người lao động trong thời gian công ty không tạo được việc làm và người lao động bị cắt lương, bảo hiểm. Việc hoàn trả phải có cam kết và chứng kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phía lãnh đạo công ty hoàn toàn nhất trí nếu có sự đồng thuận của người lao động sẽ nối lại các chế độ bảo hiểm cho họ, các chế độ hỗ trợ sẽ được xem xét khi công ty hoạt động trở lại, có nguồn thu. Tuy nhiên, việc người lao động mong muốn công ty hỗ trợ 2 tháng lương/năm, khi mấy năm qua, công ty không sản xuất phim, người lao động không đi làm là chưa hợp lý. Vì vậy, cuộc họp lần thứ 3 vẫn chưa đi đến thống nhất.
Tình Lê