Trong dòng chảy phát triển nhanh chóng và đầy biến động của thị trường âm nhạc Việt Nam, vấn đề đạo nhạc luôn là một "vết xước" khó lành, không chỉ vì yếu tố bản quyền, mà còn bởi nó đặt ra câu hỏi lớn hơn về bản sắc, sự sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghệ thuật. Không phải là câu chuyện mới, nhưng mỗi lần một ca khúc Việt vướng nghi án “vay mượn” hay sao chép ý tưởng từ các sản phẩm quốc tế, làng nhạc lại chấn động, cộng đồng mạng lại dậy sóng, và người yêu nhạc lại thêm một lần hoang mang về giá trị thật của những gì họ đang thưởng thức.
Liên tiếp những nghi vấn đạo nhạc
Mới đây, hai ca khúc đang nhận được sự chú ý của công chúng: “(từng là) Boyfriend, Girlfriend” do Min thể hiện, và “Thinking About You” của tlinh – Wean – Đức Phúc,... đã bất ngờ trở thành tâm điểm bàn tán khi bị tố có dấu hiệu đạo nhạc.
Theo một số cư dân mạng, ca khúc của Min có phần giai điệu, phối khí và cấu trúc bài hát quá giống với bản hit “we can't be friends” của Ariana Grande, đĩa đơn nổi bật nằm trong album eternal sunshine vừa ra mắt trước đó. Dù không ai đưa ra phân tích âm nhạc chi tiết, nhưng cảm giác “quen thuộc đến mức khó chịu” đã khiến khán giả không khỏi nghi ngờ về tính nguyên bản trong sáng tác.
Chưa dừng lại ở đó, “Thinking About You” cũng bị chỉ trích vì phần intro trong một sân khấu gần đây có sự tương đồng đến mức “gần như bê nguyên xi” với phần mở đầu ca khúc “Like Jennie”, tiết mục solo của Jennie (BLACKPINK) tại Coachella 2025. Từ cách phối beat, không gian âm thanh cho đến màu sắc tổng thể, tất cả khiến người nghe dễ liên tưởng đến sân khấu đậm chất cá nhân của nữ thần tượng nhà YG.
Trước đó, ca sĩ Hùng Huỳnh từng bị chỉ trích gay gắt vì MV Chẳng thể nhắm mắt bị cáo buộc sao chép ý tưởng từ bản hit Standing Next To You của Jungkook (BTS). Fan BTS từ Việt Nam đến quốc tế đã lên án mạnh mẽ, cho rằng sản phẩm của Hùng Huỳnh là "phiên bản rẻ tiền" của một sản phẩm âm nhạc có đầu tư và sáng tạo cao.
Giới hạn giữa học hỏi và sao chép: Khi ranh giới ngày càng mờ nhạt
Trong thời đại toàn cầu hóa, nơi âm nhạc không còn biên giới, việc các nghệ sĩ học hỏi, lấy cảm hứng từ những xu hướng quốc tế là điều không tránh khỏi, thậm chí là cần thiết để phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: đâu là ranh giới giữa “học hỏi” và “sao chép”?
Một số người bênh vực cho rằng những điểm tương đồng có thể bắt nguồn từ việc sử dụng chung các mẫu sample có sẵn trong kho dữ liệu âm thanh quốc tế, hay việc lựa chọn cùng vòng hòa âm vốn rất phổ biến trong nhạc pop. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều khán giả, đặc biệt là fan quốc tế và fan của Ariana Grande, Jennie lại không cảm thấy thuyết phục. Với họ, sự giống nhau không chỉ nằm ở âm thanh, mà còn thể hiện trong tinh thần của bài hát, cách trình diễn và không khí tổng thể, những yếu tố thường khó trùng hợp một cách ngẫu nhiên.
Sự thiếu rõ ràng trong quy trình sáng tác và minh bạch thông tin cũng góp phần đẩy nghi vấn đi xa hơn. Đa số nghệ sĩ Việt khi vướng nghi án đạo nhạc thường im lặng, né tránh hoặc đưa ra phản hồi chung chung như “chỉ là cảm hứng” hay “trùng hợp ngẫu nhiên”. Chính điều này khiến dư luận càng thêm nghi ngờ, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong hoạt động nghệ thuật.
Min từng nhiều lần vướng vào ồn ào đạo nhái.
“Mượn” để lớn lên hay đang đánh mất chính mình?
Một khía cạnh đáng suy ngẫm trong câu chuyện đạo nhạc không chỉ là vấn đề pháp lý hay đạo đức, mà còn là hệ quả đối với sự phát triển của nền âm nhạc Việt. Trong khi nhiều nghệ sĩ quốc tế xây dựng thương hiệu cá nhân từ sự độc đáo, cá tính âm nhạc rõ rệt, thì không ít nghệ sĩ Việt vẫn loay hoay trong vùng an toàn, chọn cách dựa vào công thức có sẵn, làm nhạc “na ná” với hy vọng dễ chạm đến tai nghe khán giả.
Điều này vô hình trung khiến thị trường âm nhạc trở nên bão hòa, thiếu sự đa dạng và sáng tạo. Một sản phẩm có lượt nghe triệu view, lọt top thịnh hành nhưng bị gắn mác “đạo nhạc” có thể là dấu hiệu của thành công ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ bào mòn uy tín của chính nghệ sĩ và niềm tin của khán giả.
Trong bối cảnh nhạc Việt đang từng bước tiến ra thế giới, những ồn ào đạo nhạc không khác gì “gót chân Achilles”, khiến cả cộng đồng nghệ sĩ và người làm nghề phải trả giá. Hội nhập không đồng nghĩa với đánh mất bản sắc. Việc tiếp cận xu hướng quốc tế nên đi kèm với năng lực bản địa hóa, sáng tạo và cá nhân hóa. Có như vậy, âm nhạc Việt mới có thể tạo dấu ấn riêng trên bản đồ thế giới.
Những phân cảnh trong MV của Hùng Huỳnh và Jungkook.
Trách nhiệm không chỉ thuộc về nghệ sĩ
Không thể phủ nhận rằng trách nhiệm chính vẫn thuộc về người nghệ sĩ và ê-kíp sản xuất. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, cũng cần đến sự vào cuộc nghiêm túc từ phía các đơn vị sản xuất, truyền thông và cả công chúng.
Cần có những quy chuẩn rõ ràng về bản quyền trong âm nhạc Việt, cùng với cơ chế kiểm duyệt, xử lý minh bạch khi có nghi án đạo nhạc xảy ra. Truyền thông nên đóng vai trò dẫn dắt, phân tích chuyên môn thay vì chạy theo thị hiếu giật gân. Và công chúng, hơn ai hết cần là người tiêu dùng thông minh, sẵn sàng ủng hộ những sản phẩm có đầu tư nghiêm túc và tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng, sao chép.
Lựa chọn giữa con đường ngắn hay con đường bền vững?
Đạo nhạc là con đường ngắn nhất để một nghệ sĩ đến với hào quang, nhưng cũng là con đường dễ dẫn đến sự sụp đổ nhất. Trong khi thế giới đang không ngừng thay đổi, thì điều khiến nghệ sĩ trường tồn lại là bản sắc và sự dấn thân. Đã đến lúc nhạc Việt cần một cú hích để chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ về mặt âm thanh, mà còn là tư duy làm nghề.
Những lùm xùm gần đây nên được nhìn nhận không phải là “tai nạn nghề nghiệp”, mà là hồi chuông cảnh tỉnh về sự sáng tạo chân chính. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật chỉ thật sự có giá trị khi nó là sự kết tinh của cá tính, cảm xúc và tâm huyết, chứ không phải là một bản sao đẹp đẽ của người khác.
Minh Quân