Hết nước làm mát
Hết hoặc sôi nước làm mát là tình trạng thường gặp trên những mẫu xe ô tô đời cũ. Điều này thường xảy ra trong các dịp lái xe đường dài đi chơi ngày nghỉ lễ. Do đã trải qua nhiều năm sử dụng, các hệ thống đường ống, két nước làm mát xuống cấp dẫn tới dễ bị rò rỉ khi xe phải vận hành liên tục.
Theo anh Đức Dũng, chủ gara ô tô 879 trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông (Hà Nội), nước làm mát có chức năng giúp cho động cơ làm việc trong khoảng nhiệt độ lý tưởng, từ đó ô tô sẽ vận hành ổn định.
Khi ô tô hết hoặc sôi nước làm mát đồng nghĩa với việc chức năng giải nhiệt cho động cơ không còn, sẽ khiến động cơ ô tô bị quá nhiệt dẫn tới những hư hỏng nghiêm trọng.
Anh Dũng đưa ra lời khuyên người dùng ô tô cũ cần thường xuyên để ý đồng hồ đo nhiệt độ động cơ, nếu thấy kim đồng hồ tăng cao cần cho xe dừng lại rồi kiểm tra mực nước làm mát còn trong bình phụ.
Hết hoặc sôi nước làm mát là hiện tượng dễ gặp trên các mẫu ô tô cũ.
Tuyệt đối không nên mở ngay nắp két nước làm mát khi mới dừng xe để tránh trường hợp nước sôi mạnh bắn văng vào người.
"Tình huống cạn hoàn toàn nước làm mát sẽ khiến nhiệt độ động cơ tăng cao. Nếu ngay lập tức bổ sung nước làm mát sẽ xảy ra hiện tượng hạ nhiệt đột ngột, vỏ động cơ có thể bị nứt, vỡ. Hư hỏng này sẽ khiến chủ xe tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa.
Trong tình huống cấp bách cần di chuyển ngay thì buộc chủ xe phải đun sôi nước làm mát mới được đổ vào hệ thống. Tuy nhiên việc làm này vẫn có những rủi ro ngoài ý muốn. Cách tốt nhất vẫn là để động cơ hạ nhiệt", anh Dũng cho biết thêm.
Để hạn chế các hư hỏng về hệ thống làm mát, chủ xe cần tuân thủ lịch bảo trì, bảo dưỡng. Khi di chuyển cần chú ý tới đồng hồ nhiệt độ nước làm mát, tránh hiện tượng quá nhiệt gây ra những hư hỏng nghiêm trọng.
Nổi đèn "cá vàng"
Đèn "cá vàng" hay đèn báo lỗi động cơ (Check Engine) bật sáng là hiện tượng hay gặp trên một số xe đã sử dụng lâu năm.
Khi gặp tình huống này, tài xế vẫn có thể đi tiếp nhưng cần để ý về âm thanh hay mùi xuất hiện trong quá trình lái xe. Nếu xe có tiếng gõ hoặc mùi khét thì không nên di chuyển tiếp bởi nhiều khả năng đã xảy ra sự cố nặng liên quan đến động cơ.
Các chuyên gia ô tô cho rằng, khi có đèn báo thì tài xế nên sớm cho xe vào gara để kiểm tra, vì nhiều khả năng một hoặc vài bộ phận nào đó liên quan đến động cơ đang gặp vấn đề.
Đèn báo lỗi động cơ bật sáng cho thấy bộ phận nào đó liên quan đang gặp vấn đề.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ sáng như: Hư hỏng dây cao áp, bộ chia điện, bu-gi, một số cảm biến, van hằng nhiệt, bộ lọc khí thải…
Đối với các xe cũ đã sử dụng trên 10 năm, lỗi có thể đến từ bất cứ đâu. Nếu như hỏng hóc đến từ bộ phận cấp điện như dây cao áp, bu-gi thì chiếc xe sẽ có hiện tượng như khó khởi động, máy yếu, bỏ máy, xe rung giật… Nếu lỗi đến từ các bộ phận khác thì có thể làm cho bộ điều khiển tính toán sai, khiến động cơ làm việc không hiệu quả, tốn nhiên liệu.
Nhao lái, vô-lăng rung
Trên đường di chuyển, nếu nhận thấy hướng xe bị lệch (nhao lái) và khó khăn để giữ nó đi đúng làn đường, vô-lăng rung thì cần tấp xe vào lề để kiểm tra. Nguyên nhân có thể đến từ lốp xe bị mòn hoặc gặp sự cố thủng, rách, mất hơi ở một bên bánh xe nào đó.
Lốp xe hết hơi hoặc thiếu áp suất có thể dẫn tới hiện tượng nhao lái.
Trường hợp lốp xe bị non hơi hoặc mất hơi quá nửa, nên tiến hành thay lốp dự phòng và sớm tìm đến một trung tâm lốp xe gần nhất để kiểm tra. Trong tình huống này, việc xe trang bị thêm cảnh báo áp suất lốp sẽ rất hữu ích để nhận cảnh báo sớm khi một trong số các lốp xe không đủ tiêu chuẩn vận hành.
Nếu loại trừ được nguyên nhân đến từ lốp xe, hiện tượng trên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác như: Hết dầu trợ lực, các bộ phận lái bị mòn hoặc chiếc xe đã từng bị đâm đụng, va chạm ảnh hưởng đến thước lái.
Để khắc phục, chỉ có cách duy nhất là đưa xe đi kiểm tra, cân chỉnh lại thước lái ô tô tại những cơ sở uy tín được trang bị đầy đủ thiết bị.
Mạnh Hưng