Lãi ròng gần 6.600 tỷ đồng trong 10 tháng, FPT chốt ngày tạm ứng cổ tức

Lãi ròng gần 6.600 tỷ đồng trong 10 tháng, FPT chốt ngày tạm ứng cổ tức
2 giờ trướcBài gốc
FPT ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Công bố thông tin trên HoSE, Tập đoàn FPT (mã FPT) cho biết ngày 3/12 tới đây sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền mặt. Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 13/12. Theo phương án đã được HĐQT thông qua trước đó, tỷ lệ cổ tức là 10% (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng).
Với hơn 1,46 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự kiến chi hơn 1.460 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
FPT cũng mới công bố tình hình kinh doanh 10 tháng đầu năm 2024 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 50.796 tỷ đồng và 9.226 tỷ đồng, tăng 19,6% và 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 21,4%.
Năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, FPT thực hiện được hơn 82% chỉ tiêu doanh thu và 85% lợi nhuận năm.
Trong cơ cấu doanh thu 10 tháng, mảng công nghệ vẫn đóng góp chính với tỷ trọng 62%, đạt 31.361 tỷ đồng - tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng viễn thông chiếm 28% tổng doanh thu, đạt 14.353 tỷ đồng và tăng hơn 10%; mảng giáo dục, đầu tư khác chiếm tỷ trọng 10%, đạt 5.082 tỷ đồng và tăng hơn 19%.
Ở mảng công nghệ, thị trường nước ngoài vẫn là động lực tăng trưởng chính của FPT, đạt doanh thu 25.516 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 26.924 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã thắng thầu 37 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD. Mới đây nhất, tập đoàn ký hợp đồng với đối tác chiến lược dài hạn Mỹ trị giá 225 triệu USD - có giá trị cao nhất từ trước đến nay.
Trong báo cáo phát hành ngày 14/11 vừa qua, SSI cho biết, với hợp đồng trị giá 225 triệu USD tại thị trường Mỹ, FPT Software sẽ cung cấp dịch vụ quản lý và giám sát hệ thống công nghệ thông tin trong 3 năm cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của khách hàng (với 75 phần mềm). Ngoài ra, phạm vi dịch vụ cũng sẽ bao gồm các lĩnh vực thiết yếu như kiến trúc nền tảng, phát triển và bảo trì với trọng tâm là 2 nền tảng Salesforce (một nền tảng quản lý quan hệ khách hàng) và ServiceNow (một nền tảng cho phép các tổ chức tự động hóa quy trình công việc).
Thỏa thuận này cũng tái khẳng định chiến lược “săn cá voi” của FPT, khi công ty đã tập trung vào việc tìm kiếm các hợp đồng giá trị lớn hơn để cải thiện doanh thu trên mỗi nhân viên cũng như biên lợi nhuận trong dài hạn.
SSI cho rằng việc chuyển đổi mô hình dịch vụ sẽ hỗ trợ FPT đạt được hiệu quả tối ưu hơn. Cụ thể, hợp đồng này đánh dấu sự chuyển đổi mô hình dịch vụ từ time and materials - T&M (thời gian và vật liệu) sang managed services (quản lý và giám sát hệ thống), dựa trên việc trả khoản phí cố định cho toàn bộ dịch vụ, thay vì tùy chọn linh hoạt hơn như T&M (dựa trên thời gian và nguồn lực thực tế mà nhà thầu đã sử dụng).
Tuy nhiên đối với T&M, khách hàng thường đóng vai trò trong việc phân công nhiệm vụ và quản lý dự án. Ngược lại, managed services sẽ cho phép FPT chủ động hơn trong các khía cạnh này, giúp công ty đạt được khả năng vận hành hiệu quả hơn và sắp xếp nhân viên hợp lý trong việc cung cấp dịch vụ.
SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của FPT cho năm 2024 và 2025 lần lượt là 9.300 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ) và 11.100 tỷ đồng (tăng 19%).
Phạm Ngọc
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/lai-rong-gan-6600-ty-dong-trong-10-thang-fpt-chot-ngay-tam-ung-co-tuc-35769.html