Ngân hàng nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế. Ảnh H.H.
Theo một điều tra của Tổng cục Thống kê từ 30.000 doanh nghiệp (DN), để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, số DN kỳ vọng giảm lãi suất cho vay nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào có tỷ lệ 43,7%; 25,4% DN kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 32,6% DN kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN cho rằng mặt bằng lãi suất thấp cần được duy trì ổn định lâu dài, đồng thời nhà quản lý cần có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ vướng mắc pháp lý…
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng trả nợ của DN thấp và với các DN sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính). Vì vậy, bà Trâm bày tỏ mong muốn ngân hàng có cơ chế để DN có thể sử dụng tài sản trên đất làm tài sản thế chấp để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Diễn biến trên thị trường lãi suất cho thấy, từ đầu tháng 12/ 2024 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất tiết kiệm, mức tăng phổ biến 0,3-0,5% với mức lãi cao nhất đã vượt 7%/năm cho kỳ hạn dài. Mức độ phân hóa trong lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng khá rõ rệt, nhóm ngân hàng quốc doanh có lãi suất thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân. Theo các chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng, lãi suất tiết kiệm liên tục được điều chỉnh tăng tại nhiều ngân hàng phản ánh nhu cầu vốn tăng cao nhằm phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong giai đoạn cuối năm. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới lãi suất cho vay. Số liệu được Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho biết, đến 31/12/2024, tín dụng đã tăng 15,08%, đạt mục tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm (15%). Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Bước sang năm 2025, nhiều dự báo cho thấy lãi suất có những tín hiệu khá tích cực. Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS cho biết mặt bằng lãi suất đi ngang và duy trì ở mức thấp cho giai đoạn cuối 2024, đầu năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Theo VCBS, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản, xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.
Tuy nhiên, với mong muốn của nhiều DN là lãi suất cho vay giảm thêm, thậm chí có DN kiến nghị giảm thêm 2-3% nữa thì vẫn là bài toán khó đới với không ít ngân hàng trong bối cảnh nhiều áp lực từ nợ xấu, thanh khoản hay biến động của tỷ giá ngoại tệ…
Trong kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) vừa công bố cũng cho thấy xu hướng về mặt bằng lãi suất huy động duy trì tương đối ổn định, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023, nhất quán với kỳ vọng của các tổ chức tín dụng tại cuộc điều tra cùng kỳ năm trước và quý trước. "Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm trong năm 2025" - Vụ Dự báo, Thống kê thông tin.
T.Hằng