Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn
Càng về những tháng cuối năm, tần suất điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng càng dày đặc.
Chỉ tính từ đầu tháng 11 tới nay, hơn một chục ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi.
Mới nhất, MB vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này kỳ hạn từ 3-5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,6%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng là 4,2%/năm. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy đạt 5,7%/năm.
Đối với tiết kiệm online, mức lãi suất cao hơn tại quầy khoảng 0,2 điểm %. Sản phẩm tiền gửi số có lãi suất cao nhất là 5,9%/năm với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Khách hàng Đinh Công Vàng đã vay vốn từ Agribank để trồng dưa lưới công nghệ cao tại Ninh Thuận. Ảnh: Quốc Hải
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, sau nhiều đợt tăng, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng có nơi đã lên tới 5,95%/năm, kỳ hạn 13 tháng vượt 6%/năm. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank…
Dù liên tục tăng, nhưng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất vẫn ở mức tương đối thấp.
Trong tháng 10, lãi suất bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2,9-3,8%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Với kỳ hạn từ 6-12 tháng, mức lãi suất phổ biến trong khoảng 4,4-5,0%/năm; từ trên 12 đến 24 tháng là 5,2-6%/năm; trên 24 tháng là 6,9-7,2%/năm.
Dư địa giảm lãi suất cho vay thu hẹp
Với bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng, mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn. Trong 10 tháng đầu năm nay, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong khi lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm ngoái.
Hiện tại, nhu cầu vốn tín dụng các tháng cuối năm đang có xu hướng tiếp tục tăng, cộng với sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều.
Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - nhận định có một áp lực đang hiện hữu đối với chính sách tiền tệ. Đó là sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn, trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp nhiều khó khăn.
“Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng do huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn” - ông Phương nhận xét.
Tuy nhiên, về lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm, chuyên gia này dự đoán sẽ tăng chậm hơn. Điều này có được nhờ cạnh tranh thị phần giữa các ngân hàng và chính sách của Chính phủ nhằm giữ lãi suất ở mức hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TPHCM - thì nhận định về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Việc đẩy mạnh huy động vốn sẽ làm cho lãi suất cuối năm có xu hướng tăng lên.
“Tuy nhiên, việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn. Nguyên nhân là nhu cầu vốn đột biến vào cuối năm, thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cũng đang thấp nên các ngân hàng phải duy trì mức tốt để giữ được dòng tiền ở lại, nếu không sẽ bị ‘chảy’ vào các kênh khác” - ông Huân phân tích.
Theo chuyên gia, nếu muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay thì NHNN cần bơm thêm tiền cho nền kinh tế, chẳng hạn như thông qua kênh OMO… Từ đó, lãi suất ở thị trường liên ngân hàng sẽ giảm, lãi suất ở thị trường huy động cũng giảm theo.
“Tuy nhiên, nếu NHNN bơm tiền trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng như hiện nay thì lại gây áp lực lên tỷ giá. Vì vậy, NHNN sẽ hạn chế bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế trong giai đoạn này, vì Việt Nam đang phải cân đối giữa tỷ giá và lãi suất. Do đó, đây là giai đoạn nên chấp nhận một mức lãi suất cao hơn là phù hợp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định tỷ giá” - ông Huân nói.
Quốc Hải