Lãi suất huy động tiếp tục tăng

Lãi suất huy động tiếp tục tăng
15 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê, tính từ đầu tháng 1/2025 đến nay, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong đó có Agribank, BacABank, NCB, Eximbank, KienlongBank... Các ngân hàng này chủ yếu điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, như Eximbank áp dụng mức lãi suất từ 6,5% - 6,8%/năm cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 15 đến 34 tháng.
Ảnh minh họa.
Tại SHB, với hạn mức gửi dưới 2 tỷ đồng, lãi suất cao nhất là 5,8%/năm, nhưng nếu gửi online khách hàng sẽ được hưởng ở mức 6,1%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Hay tại VietBank, lãi suất tiền gửi có sự điều chỉnh tăng nhẹ 0,1 - 0,3 điểm % so với trước đó cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng…
Đặc biệt, để hút những dòng vốn lớn, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói lãi suất cao từ 7% đến 9,5%/năm, với điều kiện phải gửi một khoản tiền lớn như tại HDBank áp dụng mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng yêu cầu số dư tối thiểu lên đến 500 tỷ đồng.
Tương tự, MSB cũng cung cấp mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với các yêu cầu tương tự. Trong khi đó, tại BacABank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cũng được đẩy lên khá cao, tới 6%/năm và 6,4%/năm (gửi từ 18-36 tháng) nhưng khách hàng phải gửi trên 1 tỷ đồng… Bên cạnh việc tăng lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Thực tế, làn sóng tăng lãi suất đã xuất hiện từ cuối năm ngoái. Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 1/2025 của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy khi chạm đáy vào tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4 đến nay. Theo chuyên gia của MBS, việc tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động. Tính riêng tháng 12/2024, đã có khoảng 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm với mức 0,1% - 0,3 điểm %.
Bước sang tháng đầu tiên của năm 2025, việc các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất được các chuyên gia nhận định là diễn biến bình thường như thông lệ hằng năm các ngân hàng thường tăng cường huy động vốn để chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho cả năm, duy trì ổn định hoạt động cho vay, nhất là năm 2025, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 16% so với năm trước, nên việc các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn thông qua tăng lãi suất tiết kiệm là phù hợp.
Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2025 như trên, các nhà băng sẽ tăng thêm lượng tiền cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng, lên hơn 18 triệu tỷ đồng. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, lãi suất tiền gửi "nóng" lên chỉ mang tính thời vụ, bởi dịp gần Tết, người dân thường rút tiền để chi tiêu buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi, nhằm bảo đảm nguồn vốn ra vào hài hòa.
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Theo dự báo của VNDirect, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân có thể tăng thêm khoảng 0,3% đạt mức từ 5,2% đến 5,3%/năm vào cuối năm 2025. Điều này phản ánh nhu cầu tăng vốn huy động của các ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II và hỗ trợ các hoạt động cho vay khi nền kinh tế phục hồi.
Tại Báo cáo Tài chính - kinh tế vĩ mô 2024 và triển vọng 2025 gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định lãi suất huy động chịu áp lực tăng trong bối cảnh dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay bị thu hẹp, do nhu cầu tín dụng tăng mạnh đáp ứng các nhu cầu gia tăng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho năm mới, đồng thời tín dụng được dự báo tăng tốt trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng cao.
Song, tín hiệu tích cực đó là mức tăng của lãi suất huy động được cho là không ảnh hưởng quá lớn đến lãi suất cho vay vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát tốt lạm phát. NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, có thể kỳ vọng rằng lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên vẫn sẽ có sự phân hóa nhẹ.
“Năm 2025, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên là các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/lai-suat-huy-dong-tiep-tuc-tang-i757080/