Lãi suất sẽ duy trì ổn định ở mức thấp khi VND vẫn ổn định

Lãi suất sẽ duy trì ổn định ở mức thấp khi VND vẫn ổn định
5 giờ trướcBài gốc
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, bất chấp tác động của cơn bão số 3 (Yagi), tỷ giá USD/VND phục hồi đáng kể từ tháng 7. UOB vẫn kỳ vọng NHNN Việt Nam sẽ duy trì lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm 2024, trong khi nhà điều hành vẫn phải “để mắt” đến những rủi ro về lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2024 đã tăng 4,04% so với cùng kỳ (thấp hơn mức mục tiêu 4,5%), trong đó lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
Các chuyên gia của định chế tài chính Singapore nhận định, áp lực tăng giá có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản xuất nông nghiệp do bão lũ, trong khi thực phẩm chiếm 34% trọng số trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI. Theo ông Suan Teck Kin, NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai và những khó khăn khác, thay vì triển khai một giải pháp có tác động rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
“Chúng tôi dự đoán NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% như hiện tại, bên cạnh đó sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Các chuyên gia của UOB kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2024, trong hai cuộc họp cuối tháng 11 và tháng 12 tới. UOB dự báo mỗi lần Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản - tổng cộng những tháng cuối năm nay Fed có thể cắt giảm 50 điểm cơ bản. Sang năm 2025, mỗi quý Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản, tổng mức cắt giảm lãi suất USD cả năm sau thêm 100 điểm cơ bản.
Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm áp lực đối với tỷ giá, lãi suất trong nước. Một số quan điểm cho rằng, đồng USD đi vào chu kỳ giảm giá sẽ tạo thêm dư địa cho Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là hoạt động điều hành chính sách của Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19 mà HSBC gọi là tình huống Việt Nam “đi ngược chiều” so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong khi các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, Việt Nam hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Tỷ giá và lãi suất là hai công cụ điều hành có mục tiêu ngược chiều nhau nhưng thời gian qua, NHNN vừa kiểm soát tỷ giá, vừa hạ lãi suất để đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà đầu tư và phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử 20 năm. Ngân hàng UOB nhận định, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, tiến tới mức phục hồi 3,2% trong quý III. Ngân hàng này cho rằng áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.
Mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại, nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025. Theo đó, UOB cho rằng chính sách tiền tệ ổn định từ NHNN với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý III/2024. UOB dự báo tỷ giá USD/VND trong quý IV/2024 sẽ ở mức 24.500 đồng/USD, tạo điều kiện để NHNN duy trì mức lãi suất như hiện nay.
Minh Phương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/lai-suat-se-duy-tri-on-dinh-o-muc-thap-khi-vnd-van-on-dinh-155979.html