Lãi suất giảm chậm lại, nhưng khó có “đáy” mới
Trong hai tháng gần đây, thị trường lãi suất huy động ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ từ các ngân hàng. Cụ thể, khoảng 10 tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất từ 0,1 đến 0,5 điểm % trong tháng 4. Tuy nhiên, sang tháng 5, xu hướng này chững lại đáng kể khi chỉ có hai ngân hàng (MB và Eximbank) tiếp tục điều chỉnh giảm, trong khi Techcombank và Bac A Bank lại tăng nhẹ ở một số kỳ hạn.
Ảnh minh họa.
Tín hiệu này cho thấy mặt bằng lãi suất huy động đang dần ổn định sau chuỗi điều chỉnh giảm trước đó. Theo phân tích từ Chứng khoán MB (MBS), lãi suất đầu vào có khả năng tăng dần vào cuối năm, khi kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế được cải thiện và tín dụng được đẩy mạnh. Đáng chú ý, đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 3,93% so với cuối năm 2024 – gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt 17–18%, nhờ lực đẩy từ sản xuất, tiêu dùng nội địa và giải ngân đầu tư công. Trong kịch bản này, lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể dao động quanh mức 5,5–6%/năm.
Chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất cho vay sẽ còn “dễ chịu”?
Ở góc nhìn khác, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng môi trường lãi suất hiện tại vẫn có nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng. Lạm phát đang được kiểm soát và tỷ giá tạm thời giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Theo BVSC, lãi suất cho vay và huy động có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới – đặc biệt nếu NHNN tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng nhằm kích thích dòng vốn rẻ chảy vào nền kinh tế.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định tương tự. Tổ chức này kỳ vọng NHNN sẽ giữ ổn định lãi suất điều hành, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ và hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. VCBS dự đoán lãi suất huy động sẽ duy trì mặt bằng hiện tại, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục ở mức thấp, nhưng có sự phân hóa theo từng nhóm ngành.
Trong khảo sát xu hướng kinh doanh quý II/2025 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng ước tính mặt bằng lãi suất huy động bình quân giảm nhẹ từ 0,03 – 0,05 điểm % trong quý I, trong khi lãi suất cho vay giảm khoảng 0,08 – 0,1 điểm %. Sang quý II, dự báo lãi suất huy động sẽ gần như ổn định, chỉ tăng nhẹ ở kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), còn lãi suất cho vay có thể tiếp tục điều chỉnh giảm ở mức 0,03 – 0,08 điểm %.
Nhiều sức ép trong nửa cuối năm
Dù tín hiệu vĩ mô hiện nay khá tích cực, NHNN vẫn thận trọng khi nhấn mạnh rằng mặt bằng lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép trong thời gian tới. Trong báo cáo gửi Quốc hội, cơ quan này chỉ ra ba yếu tố cần lưu ý.
Thứ nhất, lãi suất cho vay đã ở mức thấp, khó giảm thêm sâu. Thứ hai, nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025. Trong bối cảnh đó, khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng có thể chịu cạnh tranh gay gắt từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Thứ ba, lãi suất quốc tế dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh sau các động thái chính sách thương mại từ Mỹ.
Trước tình hình này, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động và linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các giải pháp điều hành vĩ mô khác. Mục tiêu là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bích Ngọc