Lại tâm tư chuyện 'con toàn điểm 9, 10 nhưng cũng chỉ bằng trung bình'

Lại tâm tư chuyện 'con toàn điểm 9, 10 nhưng cũng chỉ bằng trung bình'
một ngày trướcBài gốc
Chủ đề giấy khen, danh hiệu luôn là đề tài gây tranh cãi vào mỗi mùa bế giảng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
“Tôi cũng không hiểu cách chấm điểm cho các con kiểu gì. Mọi thứ đều hoàn hảo, chỉ có mỗi một môn chẳng liên quan gì đến việc học chính, thành ra bằng với học sinh dốt vào trung bình”.
Đó là chia sẻ của một phụ huynh trên mạng xã hội khi con không được học sinh xuất sắc dù điểm kiểm tra định kỳ các môn toàn 9, 10, chỉ duy nhất môn Tin học đạt điểm 8 (được đánh giá chữ H - hoàn thành).
Không riêng phụ huynh nói trên, câu chuyện điểm số, đánh giá, khen thưởng, giấy khen dù không mới nhưng cứ cuối năm học lại luôn khiến các bậc cha mẹ tâm tư, thậm chí là tranh cãi.
Một số bài đăng của phụ huynh trên mạng xã hội.
Phụ huynh ấm ức, nói giáo viên cảm tính
Chia sẻ bảng điểm của con lên mạng xã hội, một phụ huynh khác có con học lớp 5 cho biết trong số 12 môn, con trai chị có tới 11 môn được đánh giá hoàn thành tốt. Chỉ một môn Mỹ thuật, con được đánh giá là hoàn thành và không được giấy khen cuối năm.
“Con cố gắng cả năm, kết quả như thế này mà không được giấy khen, buồn giùm con. Con chỉ bị khống chế đúng một môn”, phụ huynh này chia sẻ.
Bên dưới bài đăng, nhiều phụ huynh khác chung tình cảnh, bày tỏ sự ấm ức, thậm chí “tức phát khóc”.
Hay trong một bài đăng khác, một phụ huynh khác cho biết con gái chị chỉ có một môn 8 điểm và hai môn phụ được đánh giá hoàn thành. Các môn khác, con đều được điểm 9, 10 nhưng cũng chỉ xếp hạng như các bạn được điểm 5, 6, 7. Người mẹ cho rằng thời nay, để được giấy khen đúng là quá khó và nặng nề đối với các con.
Nhiều phụ huynh cho rằng cách đánh giá hiện hành chưa thực sự công bằng và chưa phản ánh đúng nỗ lực toàn diện của con. Theo họ, việc đánh giá môn chuyên biệt bằng nhận xét đã vô tình trở thành rào cản, tước đi cơ hội được khen thưởng xuất sắc của những em có thành tích học tập vượt trội ở các môn văn hóa.
Điều này không chỉ khiến phụ huynh tâm tư mà còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý, động lực của chính học sinh.
Thậm chí, trong số các bài viết nói trên, một phụ huynh “mắng” giáo viên chấm điểm như vậy là cảm tính, “như kiểu bắt một người đấm bốc cừ khôi phải trở thành một giáo sư”, hay “bắt một giáo sư thực thụ phải chạy nước rút trong 10 giây mới được công nhận là giáo sư”.
Phụ huynh có đang nặng thành tích?
Mấy ngày nay, đọc những chia sẻ trên của phụ huynh, chị Thanh Nga (phụ huynh tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi nhiều phụ huynh vẫn đặt nặng thành tích, có thể mắng giáo viên thậm tệ chỉ vì con không được xuất sắc, không được giấy khen.
Chị cho rằng rất có thể, những phụ huynh này không theo sát con, không cập nhật chương trình giáo dục mới hoặc ít nhất là không nghe giáo viên phổ biến nên không hiểu về cách đánh giá mới.
Một phụ huynh cho rằng con toàn điểm 9, 10 nhưng cũng chỉ bằng học sinh trung bình vì môn Tin học chỉ đạt hoàn thành.
Theo chị, với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT hướng đến giáo dục học sinh toàn diện, các em giỏi văn hóa, nhưng cũng cần phát triển thể chất, năng khiếu…
Tuy nhiên, dù chương trình mới hay cũ, bản thân bố mẹ cũng cần hướng con đến phát triển toàn diện.
“Không ai bắt các con phải giỏi xuất sắc tất cả môn học, nhưng để được khen thưởng xuất sắc, con phải được đánh giá hoàn thành tốt tất cả môn. Dù vậy, quan trọng là thầy cô, bố mẹ ghi nhận sự cố gắng, tiến bộ của con thay vì chăm chăm vào tờ giấy được phát cuối năm”, chị Nga nhìn nhận.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, cô Trần Thanh (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ không ít lần, cô cũng nhận được phản hồi từ phụ huynh về các vấn đề như trên.
“Có phụ huynh gọi điện, có người nhắn tin hỏi ‘Cô ơi, sao con em ngoan thế, học đều thế mà lại không được giấy khen?’”, cô Thanh kể.
Bản thân cô khá bối rối, thậm chí có phần áp lực trước những câu hỏi này của phụ huynh.
Là giáo viên trẻ, nhiệt huyết với nghề, hết lòng giảng dạy học sinh, chấm điểm và đánh giá học rất cẩn trọng dựa theo các năng lực và phẩm chất của trẻ, song nhiều phụ huynh lại không hiểu mà vội quy chụp khi con họ không được giấy khen.
Dù vậy, bình tĩnh hơn, đứng ở góc nhìn của phụ huynh, cô Thanh hiểu và thông cảm khi nhiều cha mẹ có mong muốn, kỳ vọng con học tập giỏi. Trong khi theo quan điểm cũ, cứ phải có giấy khen, khen thưởng mới là học giỏi.
Cô Thanh giải thích hiện tại, theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh tiểu học đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đánh giá theo Thông tư 27/2020.
Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá và xếp loại theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Học sinh được khen thưởng cuối năm không còn danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thay bằng danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc, Học sinh tiêu biểu.
Như vậy, việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng học sinh hiện tại sẽ không dựa hoàn toàn vào điểm số mà đánh giá theo cả một quá trình học tập của trẻ.
Với những thay đổi này, cô Thanh cho rằng giáo viên nên bình tĩnh trao đổi với phụ huynh, giải thích rõ rằng khen thưởng không chỉ nhìn vào việc học thuộc bài hay làm được bài kiểm tra, mà còn xét quá trình tiến bộ, sự phát triển cả về phẩm chất và năng lực trong năm học của trẻ; và ở cả những môn bị phụ huynh cho là môn phụ như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục…
Cô Thanh cho rằng hiện tại, nhiều phụ huynh vẫn chỉ chú trọng vào các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh và không để ý đến các môn chuyên biệt. Thành ra, khi các con đạt kết quả hoàn thành môn học đó, phụ huynh sẽ lấy đó làm lý do và có những ý kiến gây hiểu lầm.
“Chỉ cần một vài môn chưa hoàn thành tốt theo chuẩn, học sinh cũng chưa đủ điều kiện để được khen thưởng toàn diện. Tôi cũng hiểu rằng phụ huynh lo cho con, nhưng cũng mong họ tin vào sự công tâm của giáo viên”, cô Thanh nói.
Theo cô giáo, nhiều phụ huynh cho rằng phương pháp đánh giá dựa trên quá trình chỉ dựa vào cảm tính của giáo viên. Với cá nhân cô, điều này không đúng bởi các giáo viên luôn có sự trao đổi qua lại để nắm bắt tình hình học tập và thái độ học tập của các em để đánh giá.
Cô giáo khuyên phụ huynh cần thay đổi góc nhìn về việc đánh giá từ giáo viên. Trẻ học tập thế nào, có lẽ chính phụ huynh là người hiểu rõ nhất. Các bậc cha mẹ không nên quá kỳ vọng và tạo áp lực thành tích cho các con. Điều này vô tình cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, đặc biệt với những em đang ở độ tuổi tiểu học.
Phương Lam
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/lai-tam-tu-chuyen-con-toan-diem-9-10-nhung-cung-chi-bang-trung-binh-post1556258.html