Lại thêm công trình văn hóa 'lỡ hẹn'

Lại thêm công trình văn hóa 'lỡ hẹn'
6 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, bên cạnh những công trình kịp “về đích” vẫn còn không ít dự án buộc phải “lỗi hẹn”. Thực tế này đặt ra nhiều trăn trở trong công tác đầu tư, phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao (VHTT) của thành phố.
Dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6 năm nay
Vì lý do khách quan
Được biết, để chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước, TP.HCM định hướng có 55 công trình và bắt đầu triển khai kế hoạch thi đua từ năm ngoái. Các chương trình, công trình, dự án này được triển khai thi đua để hoàn thành hoặc khởi công dịp 30.4.2025.
Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ(quận 11) là một trong các công trình, dự án trọng điểm của thành phố để chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Dự án cũng được kỳ vọng là một trong những công trình, thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của thành phố mang tên Bác. Theo dự kiến, ngày 30.4.2025, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọsẽ khánh thành và có show diễn đầu tiên.
Với thiết kế, công trình này bao gồm một khối công trình chính 12 tầng, diện tích 3.910m² và sân khấu có sức chứa 2.000 chỗ ngồi, bao gồm một sân khấu tròn di động, một sân khấu hình chữ nhật nối tiếp sân khấu tròn tạo thành sân khấu đa năng với hệ thống nâng xoắn ốc, có thể di chuyển trong nước hoặc không có nước để phục vụ các chương trình xiếc, nghệ thuật khác nhau.
Mặt sân khấu được cấu tạo để phù hợp với các loại hình nghệ thuật, gồm biểu diễn các tiết mục cổ điển, xiếc thúvà trượt băng nghệ thuật… Tổng mức đầu tư dự án gần 1.400 tỉ đồng, thời gian sử dụng theo thiết kế là 100 năm.
Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết, công trình mang tầm cỡ quốc tế, với nhiều hạng mục có trang thiết bị đầu tư hiện đại theo thiết kế chất lượng cao của đơn vị tư vấn nước ngoài.
Công trình hoàn thành sẽ là biểu tượng văn hóa, dấu ấn lịch sử của TP.HCM trong tiến trình phát triển và hội nhập, đáp ứng được yêu cầu xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, văn minh phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân TP.HCM trong nhiều năm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực về công nghiệp văn hóa của TP.HCM theo các mục tiêu đề ra.
Rạp xiếc và biểu diễn đa năng PhúThọ khởi công cuối tháng 4.2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục chính. Tuy nhiên, thông tin mới đây, đại diện lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM cho biết, công trình này đành “lỗi hẹn” đưa vào hoạt động dịp 30.4.2025 vì một số lý do khách quan.
Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ khánh thành vào 30.6 và chính thức phục vụ công chúng từ dịp Quốc khánh 2.9.2025.
Vẫn còn một số hạn chế
Trước đó, dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tại Thủ Thiêm cũng phải tạm dừng triển khai vì lý do chưa được bố trí vốn đầu tư.
Dự án có quy mô 1.700 chỗ ngồi, có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Sau đó, chủ đầu tư dự án là Ban Dân dụng công nghiệp TP.HCM đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2024. Dự án từng được xác định là công trình cấp bách, mang tính biểu tượng cho nghệ thuật hàn lâm của TP.HCM và khu vực phía Nam.
Chia sẻ với Văn Hóa, TS Lê Ha My, Giám đốc HBSO cho biết: “Chúng tôi hiểu và chia sẻ khó khăn chung của thành phố. Nhưng kỳ vọng về một nhà hát đẳng cấp quốc tế là điều tập thể nghệ sĩ đã khắc khoải suốt 30 năm qua.
Nếu không có thiết chế đủ chuẩn, chúng ta sẽ tiếp tục lỡ hẹn với những chương trình nghệ thuật chất lượng quốc tế”. Hiện nay, TP.HCM vẫn giữ quyết tâm triển khai dự án với phương án điều chỉnh về diện tích, điều chỉnh hệ số đất và thiết kế phù hợp. Dự kiến, dự án sẽ khởi công chậm nhất vào 2026 và hoàn thành vào 2030.
Trước đó, trao đổi với Văn Hóa, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận bày tỏ: Những năm qua, việc thực hiện các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành VHTT đã góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển VHTT trong thực tiễn.
Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển VHTT đến năm 2030 và các chiến lược, đề án, quy hoạch đã giúp nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công trình thi đấu, luyện tập thể thao… có chất lượng
cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại và hệ thống thiết chế ở cơ sở đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân.
“Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết chế VHTT vẫn còn một số hạn chế. TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, sự phát triển của các công trình VHTT chỉ khoảng 1,5 công trình/vạn dân; định mức chỉ tiêu quy hoạch xây dựng vẫn còn thấp; không gian công cộng bị thu hẹp; quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao là 2.826 ha (đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất của thành phố)…”, ông Thuận cho hay.
Một ví dụ điển hình là Khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc với quy mô gần 187 ha, dù đã có quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Việc chậm trễ này gây khó khăn cho kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, dù cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều kỳ vọng. Việc đầu tư các cụm công trình đa năng, tích hợp nhiều chức năng phục vụ văn hóa, giải trí, thể thao, công nghiệp sáng tạo và du lịch là xu hướng tất yếu, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống đô thị.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ người dân, mà còn là “cửa ngõ mềm” đưa văn hóa Việt vươn ra thế giới.
Giám đốc HBSO Lê Ha My chia sẻ: “Dù khó khăn, thành phố vẫn quyết tâm đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn tới. Hiện dự án đang được điều chỉnh quy hoạch, thiết kế và nguồn vốn phù hợp với thực tiễn. Kế hoạch mới dự kiến khởi công trong năm 2025 hoặc chậm nhất vào 2026 và có thể đưa vào sử dụng năm 2030, với quy mô mở rộng diện tích, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho các chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế”.
THÙY TRANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/lai-them-cong-trinh-van-hoa-lo-hen-128028.html