Tai nạn muôn hình vạn trạng, rất nhiều tình huống "không tin được", "không thể nào", và không loại trừ một ai. Đừng nghĩ rằng bạn giỏi, nếu chưa từng dính (nhẹ nhất là va quệt) thì chỉ là vì may mắn mà thôi.
Nguy hiểm hơn khi số đông người cầm lái lại không hề biết hoặc không hề tin rằng nó (việc lái xe) là nguy hiểm.
Lái xe ở Việt Nam hiện nay là một việc nguy hiểm
Tuy vậy Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều tai nạn xe hơi nhất thế giới. Mà là Mỹ. Lý do đáng ngạc nhiên hơn: Vì Mỹ có hệ thống đường giao thông lớn, nhiều xe hơi và nhiều người có bằng lái nhất thế giới. Xếp thứ hai là Nhật. Lý do tương tự. Có nghĩa nhiều xe, nhiều đường thì nhiều tai nạn. Một tỷ lệ thuận theo logic đơn giản.
Điều ấy cũng có nghĩa, số các vụ tai nạn và xô xát vì ô tô ở Việt Nam thời gian gần đây ngày một nhiều hơn cũng là một thực tế logic. Có điều các kiểu tai nạn ô tô ở ta lắm khi nó... phi lý, nó mông muội hơi nhiều như là nhầm chân ga chân phanh nhiều quá, mất phanh, mất lái nhiều quá, đi ngược chiều trên cao tốc nhiều quá... Trong khi ngược lại, các nguyên tắc căn bản Stop & Go ở đường giao cắt, nguyên tắc vào ra vòng xuyến... thì hỏi nhiều người lái xe đã lâu đều không biết!
Nghệ thuật marketing, nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật câu view với những lời mê hoặc, những hình ảnh hấp dẫn, những video cuốn hút thời nay khiến người ta dễ dàng tin vào những chiếc xe an toàn nhất thế giới, những hệ thống lái xe an toàn thông minh vượt trội có thể tự phanh, tự đánh lái, tự giữ khoảng cách với xe trước, tự bật/tắt đèn, tự vào chuồng..., lái xe trở nên nhàn nhã, thậm chí người cầm lái không cần phải rèn luyện một số kỹ năng căn bản và nâng cao.
Tôi đến hãi khi đọc, khi nghe các lời mời gọi trải nghiệm cầm lái của các nhà bán xe, của các nhà tổ chức sự kiện tới khách hàng, người tiêu dùng với các kiểu: tẹt ga, dí ga ; hay lời khen ấn tượng của các mẫu xe mới vừa ra mắt là: mạnh, vọt, tăng tốc ấn tượng. Nó cho người ta cảm giác lái xe ra đường như... chơi và ai cũng có thể một phát thành tay đua vậy.
Tôi nhớ lần kinh ngạc trước việc một đồng nghiệp tại Tokyo trượt lên trượt xuống khi thi lấy bằng lái ô tô trước những bài học khó tin như: trước khi lên xe khởi động mà chưa đi một vòng xem xung quanh xe có an toàn không là trượt ngay không cần thi tiếp, giày dép không đúng qui định cũng vậy. Kể chuyện ấy cho vài người bạn ở Việt Nam, ai cũng phẩy tay bảo úi giời Nhật nói làm gì. Đúng ra phải là úi giời người Việt quan tâm gì.
Thử quan sát mỗi lần máy bay hạ cánh đi. Dù thông báo cứ đều đặn phát ra rằng không sử dụng điện thoại, vẫn thắt dây an toàn cho tới khi máy bay dừng lại hẳn và đèn hiệu an toàn đã tắt thì đến... 90% bỏ ngoài tai, dây an toàn tháo ngay, điện thoại khởi động ngay, thậm chí còn alo gọi nhau ngay. Có chết gì đâu - ai cũng bảo vậy, ai cũng nghĩ vậy. Dũng cảm, anh hùng quen rồi.
Đúng là tôi đã từng thích thú, háo hức và cả vụng về khi ngồi sau tay lái 24 năm trước. May mắn hồi đó xe trên đường còn ít, chỗ đậu xe ngoài đường còn rộng thênh thang và xe cũng không có nhiều công nghệ thông minh hỗ trợ - thực ra là sẽ khiến mình vừa lười vừa ngu đi, mất dần cảm giác chân thực và nhạy cảm khi cầm lái. May mắn nữa là hồi ấy được nghe khá nhiều lời dọa dẫm từ những người đi trước, để mình biết lo lắng mà cẩn thận hơn. Khởi đầu cho các chuyến đi xa đầu tiên - như lần đầu tiên xuyên Việt, lần đầu thuê xe tự lái ở châu Âu, lần đầu lái xe tay lái nghịch ở Anh, tôi đều nhờ các "thầy lái địa phương" đi cùng một lượt hay một ngày để luyện chủ yếu là thói quen, văn hóa đi đường của người địa phương. Là càng đi nhiều, lái nhiều, may mắn có và không may cũng có, nên biết sợ. Chỉ người điếc mới không sợ súng thôi.
Hãy đảm bảo những nguyên tắc an toàn khi lái xe!
Vậy thì lên ô tô bạn có đảm bảo mình luôn sử dụng đúng giày dép phù hợp? Thắt đủ dây an toàn ở tất cả các vị trí? Cài đặt đầy đủ các tính năng cần thiết (điều hòa, kết nối, bản đồ) trước khi di chuyển? Tắt điện thoại hay giao điện thoại cho người đi cùng giữ và xử lý khi có việc gấp, hoặc kém an toàn hơn một chút là kết nối điện thoại rảnh tay khi cầm lái? Sau tay lái bạn có đảm bảo luôn luôn tập trung? Không nghe hay xem điện thoại, không say sưa với bản nhạc mở âm thanh quá lớn?... Bởi chỉ có tập trung, người lái xe mới quan sát sớm được tình huống, kịp thời xử lý mà không rơi vào trạng thái giật mình, cuống, dẫn tới nhầm lẫn chân ga chân phanh hay mất lái. Tập trung liên tục trong một thời gian dài là mệt và căng thẳng lắm đó. Vì vậy để lái xe an toàn không nhàn nhã đâu.
Bạn có thường xuyên luyện rèn các kỹ năng lái và xử lý tình huống để tạo lập thành thói quen? Bạn có thành thạo các tính năng điều khiển trên chiếc xe đang cầm lái - khi mà để phục vụ cho nhu cầu thích thay đổi của các thượng đế, thì các hãng xe thời nay thay đổi thiết kế xe xoành xoạch, đổi chỗ các nút bấm tùm lum, gia tăng các tính năng, công nghệ mới ngày một nhiều?
Với tất cả những đảm bảo ấy, lái xe sẽ bớt nguy hiểm cho bạn và cho những người xung quanh.
Thủy Phạm