Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, xe tải qua cầu có tải trọng 19.450 kg, trên xe chở gạch khoảng 30 tấn. Trong khi đó, cầu T6 chỉ cho phép phương tiện có trọng tải 5 tấn qua cầu. Ảnh: TTXVN
Cầu T6 nối xã Vĩnh Phước với thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vừa bị sập nhịp giữa khiến 1 xe tải chở 30 tấn gạch rơi xuống kênh.
Trước đó, Đoàn Đức Vinh (28 tuổi) lái ô tô tải chở gạch thuê từ tỉnh Bình Dương đến cửa khẩu Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) để giao hàng qua Campuchia. Khi ô tô đến giữa cầu T6 thuộc xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, công trình bất ngờ bị sập nhịp, xe rơi xuống kênh. Phần đầu ô tô tải còn vướng trên nhịp cầu, lái xe mở cửa thoát ra ngoài kịp thời.
Theo thông tin ban đầu từ chính quyền địa phương, ô tô có trọng tải 19 tấn đã chở 30 tấn gạch để qua cầu, trong khi đó, trọng tải của cầu T6 chỉ 5 tấn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 14/11, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết: Nguyên nhân vụ việc và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Căn cứ thông tin ban đầu do chính quyền địa phương cung cấp, có thể xác định tải trọng của cầu T16 là 5 tấn, phía đầu cầu đã có biển cấm đối với xe có tải trọng trên 5 tấn.
“Việc lái xe điều khiển phương tiện có tải trọng gần 50 tấn đi qua cầu là hành vi vi phạm quy định tại Điều 11, Điều 28 Luật GTĐB năm 2008. Theo quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ.
Hành vi vi phạm của lái xe có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng cần trưng cầu giám định đối với thiệt hại về tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra. Nếu kết luận giám định xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự (BLHS)”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.
Theo đó, khung hình phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại cụ thể do các cơ quan tiến hành tố tụng xác định trên cơ sở Kết luận giám định thiệt hại có hiệu lực pháp luật. Nếu mức thiệt hại trên 1.500.000.000 đồng, lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù ( điểm c, khoản 3 Điều 260 – BLHS).
Về trách nhiệm dân sự, theo luật sư Đỗ Minh Hiển, nếu lái xe Vinh là chủ sở hữu phương tiện hoặc là người được chủ sở hữu giao cho việc chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông thì tài xế Vinh là người có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra ( khoản 2, Điều 601 Bộ Luật dân sự năm 2015). Nếu Vinh là người lái xe thuê cho pháp nhân theo hợp đồng lao động và gây ra thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc được pháp nhân giao, pháp nhân có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho lái xe gây ra. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại, có quyền yêu cầu tài xế phải có trách nhiệm hoàn trả ( Điều 597, Bộ Luật dân sự năm 2015). Về các khoản bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra phụ thuộc vào Kết luận giám định thiệt hại của cơ quan/tổ chức giám định trong quá trình giải quyết vụ việc.
Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, tại đầu cầu T6 đã có biển báo ghi cấm xe có tổng trọng tải trên 5 tấn qua cầu, lái xe Vinh bắt buộc phải thấy biển báo này khi điều khiển xe qua cầu. Trong khi đó, chiếc xe gây sập cầu có tổng tải trọng khoảng 49 tấn, như vậy đã vượt nhiều lần tải trọng cho phép của cầu.
“Cần xác định nếu lái xe biết tải trọng tối đa cho phép qua cầu nhưng vẫn cố ý cho xe qua dẫn đến thiệt hại là sập cầu thì hành vi này có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 BLHS, hình phạt dành cho tội này có thể lên đến 15 năm tù”, luật sư Thanh Thảo cho hay.
Minh Phương/Báo Tin tức