Đường băng trắng cản lửa được mở tại khu vực trọng điểm, như: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ giáp ranh khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp; vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và thường xảy ra cháy rừng; hoặc nơi có độ dốc lớn, thảm thực bì dày.
Đường băng trắng cản lửa được mở tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, nơi có độ dốc lớn, thảm thực bì dày.
Mỗi tuyến đường băng có chiều rộng từ 15m - 30m, tùy vào địa hình thực tế, đảm bảo đủ khả năng cách ly và cô lập lửa. Các tuyến đường này giúp tạo ranh giới an toàn, ngăn chặn lửa lan rộng nếu xảy ra cháy, đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác chữa cháy rừng.
Đường băng trắng cản lửa tại khu vực giáp ranh giữa thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Đường băng trắng cản lửa được làm tại khu vực giáp ranh giữa huyện Văn Bàn và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Cụ thể đường băng trắng cản lửa được làm tại các địa phương, gồm: huyện Văn Bàn làm đường băng dài 16,7 km, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Nậm Tha với xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái); thị xã Sa Pa làm đường băng dài 24,7 km, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Mường Hoa với xã Tả Phời (thành phố Lào Cai); thành phố Lào Cai làm đường băng dài 7,2 km, tại khu vực giáp ranh giữa xã Tả Phời với xã Mường Hoa, Thanh Bình (thị xã Sa Pa).
Quá trình thi công được thực hiện bằng phương pháp kết hợp giữa cơ giới và thủ công, với sự tham gia tích cực của các lực lượng kiểm lâm, tổ bảo vệ rừng các thôn, bản, người dân địa phương. Ngoài việc phát dọn thực bì, nhiều nơi còn triển khai đốt trước có kiểm soát để tạo hành lang an toàn.
Các lực lượng thi công đường băng cản lửa.
Việc mở đường băng cản lửa không chỉ có hiệu quả tức thời trong mùa khô hanh, mà còn mang lại lợi ích lâu dài trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Các tuyến đường giúp chia nhỏ khu vực rừng, thuận tiện cho công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng và phát hiện sớm nguy cơ cháy.
Cùng với các biện pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng được tỉnh đẩy mạnh. Nhiều tổ đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở đã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Người dân được tập huấn, trang bị kiến thức và tham gia tuần tra, canh gác trong mùa cao điểm.
Tập huấn công tác tuần tra rừng cho Lực lượng bảo vệ rừng tại các thôn, bản.
Kim Thoa