Làm bạn cùng con mỗi ngày

Làm bạn cùng con mỗi ngày
5 giờ trướcBài gốc
Dạy trẻ bằng sự yêu thương (ảnh minh họa)
Chồng công tác xa nhà, vì thế từ nhiều năm nay hai mẹ con giống như người bạn. Cùng nhau vào bếp nấu cơm, cùng đọc sách, cùng học bài và là bạn ăn hàng, cà phê mỗi cuối tuần. Vì thế chỉ cần thủ thỉ nói chuyện một lúc là chị biết hết chuyện ở lớp, chuyện vui chơi, học hành của con. Nhìn gương mặt là biết hôm nay con vui hay buồn, có gì vướng mắc đang cần mẹ giúp.
Thường thì chị chỉ lắng nghe, cần góp ý cũng chỉ nói nhẹ nhàng, vì chị biết khi kể chuyện với mẹ, con đã tỏ thái độ không đồng tình với những hành vi lệch chuẩn. Quan trọng hơn, chị nhận thấy con đã biết cân nhắc, suy nghĩ trước khi làm điều gì hay không nên tham gia hoạt động gì. Có khi ngắm nhìn con say sưa đưa ra ý kiến và ngẫm lại ở độ tuổi 11 của mình ngày xưa, sao khờ dại vô cùng. Có phải mỗi môi trường, mỗi hoàn cảnh và thời đại khác khiến con người ta lớn nhanh hơn, suy nghĩ cũng chững chạc hơn chăng.
Chị cũng nhận ra, trong xã hội hiện đại, sự bận rộn của người lớn và phát triển của công nghệ tác động không nhỏ đến các mối quan hệ gia đình. Thiếu kỹ năng giao tiếp, không biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự rạn nứt, mất kết nối giữa các thành viên. Điều đó có thể gây ra nhiều câu chuyện đáng tiếc, không chỉ giữa cha mẹ và các con mà cả giữa anh chị em ruột với nhau. Cũng bởi thế mà có lúc con có những hành động chưa đúng, ý kiến trái ngược với mẹ, không vì thế mà chị ngắt lời, đóng cương vị là một người phán xét, ra lệnh hay dùng lời lẽ phê phán. Thực ra ở độ tuổi nào, con cũng có khả năng đánh giá đúng - sai, nên - không nên. Chị để con thoải mái bộc lộ chính kiến và chỉ góp ý, định hướng nhẹ nhàng.
Chị rất thích đoạn chia sẻ trong cuốn sách “Làm mẹ không áp lực” của tác giả - bác sĩ Anh Nguyễn, hiện làm tại Bệnh viện Hoàng gia Worcester (Vương quốc Anh), đồng thời là chuyên gia dinh dưỡng của Bộ Y tế Anh: “Sự hạnh phúc và thành công của một người không nằm ở số tiền bao nhiêu họ được kế thừa, mà chính từ cách giáo dục và sự đầu tư của bố mẹ dành cho người đó khi trẻ”. Hiện chị đã thiết lập được kênh giao tiếp phù hợp và hoàn toàn có thể là “địa chỉ tin cậy” của con. Bởi thế, việc bây giờ là tiếp tục duy trì kênh đó để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ con trong quá trình phát triển, lớn lên của mình.
THỤC ANH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/lam-ban-cung-con-moi-ngay-125146.html