Câu hỏi đặt ra lúc này là: ngoài các nghi phạm trong đường dây này, thì cơ quan quản lý Nhà nước nào phải chịu trách nhiệm?
Trả lời trên báo chí trong ngày 14 và 15-4, các bộ: Công Thương, Y tế đều khẳng định trách nhiệm không thuộc về mình.
"Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý" - đại diện Bộ Công Thương nói.
Bộ Y tế khẳng định: Việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được quy định tại Luật ATTP, theo đó quản lý ATTP thuộc các bộ: Y tế, NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp! Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tính pháp lý của hồ sơ công bố.
Hai bộ nói trên cho biết thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư (cũ) của các tỉnh, thành phố, nơi DN đặt trụ sở. Cơ quan Nhà nước chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm nghiệm mẫu sản phẩm trước khi cấp phép.
Trường hợp này khiến chúng ta nhớ lại chuyện từ một phiên chất vấn tại nghị trường của Quốc hội khóa XII. Về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, đe dọa sức khỏe người dân trong khi Pháp lệnh vệ sinh ATTP còn nhiều kẽ hở, một đại biểu tỉnh Tây Ninh đặt vấn đề, đại ý: Trong mâm cơm của cử tri, con gà, con cá nếu không bảo đảm vệ sinh ATTP, thì bộ, ngành nào chịu trách nhiệm? Lần lượt các bộ trưởng liên quan được chủ tọa mời trả lời, đều nói không phải của bộ mình, mà là "trách nhiệm liên ngành", tính ra có tới 5 bộ quản lý! Lúc đó, một đại biểu đoàn TP HCM, là chuyên gia ngành y, nói dí dỏm: Miếng thịt sống thì do Bộ NN-PTNT quản lý, miếng thịt chín do Bộ Y tế quản lý, còn miếng thịt tái thì thuộc về bộ nào (?).
Kỳ họp đó góp ý, thảo luận và thông qua Luật ATTP (Luật số 55), có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Gần 15 năm qua, luật này - cùng khá nhiều luật và văn bản dưới luật khác - giăng giăng vậy mà thực phẩm bẩn, thực phẩm và thức uống bị làm giả, kém chất lượng vẫn nhức nhối. Khi cuộc sống ngày càng văn minh, luật kín kẽ hơn và công tác quản lý, thanh - kiểm tra chặt hơn nhờ chuyển đổi số và cải thiện quy trình, thì lẽ ra hiệu quả phòng chống thực phẩm bẩn phải cao hơn, giúp người dân an tâm hơn, nhưng thực tế lại chưa được như vậy. Thậm chí, đến bây giờ, mà cụ thể là qua vụ án sữa giả nổ ra ở quận Hà Đông, TP Hà Nội này, các bộ, ngành hữu quan vẫn "đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm". Theo đó, chịu trách nhiệm chính là… các địa phương và bản thân DN vi phạm (!).
Ngẫm xem, một hộ dân nào đó vừa đổ xe cát chuẩn bị sửa nhà mà chưa xin phép, lập tức có "lực lượng liên ngành" xuất hiện, dọa phạt và yêu cầu đủ điều. Trong khi đó, cả một hệ sinh thái ít nhất 9 công ty (thuộc diện quản lý của khá nhiều bộ, ngành, địa phương), làm sữa bột giả và bán trong suốt 4 năm, với lượng khổng lồ, thu 500 tỉ đồng, mà đến khi vỡ chuyện thì tìm đỏ con mắt vẫn không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm!
Từ đây mới thấy chủ trương sáp nhập, giảm đầu mối, tinh giản biên chế đang được tiến hành khẩn trương là quá sáng suốt, được ủng hộ mạnh mẽ.
Theo Y Qua (NLĐO)