Làm đẹp cấp tốc - tiền mất tật mang

Làm đẹp cấp tốc - tiền mất tật mang
16 giờ trướcBài gốc
Hệ quả điển hình là tình trạng da bị tổn thương nghiêm trọng sau các liệu trình làm đẹp cấp tốc như lột da, tẩy trắng không rõ nguồn gốc.
Nguy cơ biến chứng
Cuối năm, hàng loạt các chiến dịch ưu đãi, giảm giá được các cơ sở làm đẹp tung ra, có nơi còn thu hút khách hàng bằng các chiêu như: Da đẹp thần tốc, trắng da, hết sạm nám, xóa nhăn chỉ sau một liệu trình… với các gói khuyến mại vô cùng rẻ. Cũng vì tin lời quảng cáo, chị Thùy Trinh ở Cầu Giấy, Hà Nội tìm đến một spa gần nhà để chữa nám. Tại đây, chị được giới thiệu chỉ cần theo một liệu trình lột da và tiêm meso là da chị có thể trở nên căng bóng và sạch nám. Chỉ sau ba ngày, chị Trinh đã phải tìm đến bệnh viện da liễu trong tình trạng da bị thâm đen do dùng hóa chất lột tẩy quá mạnh.
Sạm mặt sau khi điều trị nám.
Nghe một người quen quảng cáo dịch vụ tại một cơ sở làm đẹp, chị Minh Hương ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ngay lập tức tìm đến với mong muốn “tân trang diện mạo” để đón Tết. Tại đây, chị được chủ cơ sở giới thiệu, chỉ cần sử dụng một liệu trình tái tạo da, đảm bảo da chị sẽ không còn mụn và “đẹp không tì vết”. Thế nhưng đẹp đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng, ngay trong lúc thực hiện thao tác, chị Hương đã cảm thấy bỏng rát khó chịu. “Mình được ủ mụn, nặn mụn, sau đó mình thấy da mặt rát như bị bỏng. Mình có nói với bạn nhân viên thì bạn ý bảo chị yên tâm đây chỉ là do da chị kích ứng thôi, một hai ngày là đỡ. Tuy nhiên, khi về thì mình thấy có hiện tượng chảy nước mô thì các bạn cho mình uống kháng sinh và kháng viêm, thuốc bôi ngoài da”, chị Hương cho biết.
Theo đuổi liệu trình điều trị, da chị Hương chẳng những không cải thiện mà ngày càng trở nên sần sùi và nhiều mụn. Chị Hương đành tìm đến bác sĩ da liễu để chữa trị. Thế nhưng, điều chị Hương hối hận nhất là việc làm đẹp không đúng cách khiến da của chị xuống cấp hơn ngày trước gấp nhiều lần.
Biến chứng sau khi xăm môi.
Để tiết kiệm thời gian di chuyển và mong muốn nhanh chóng sở hữu làn da sáng mịn đón Tết, chị H.N.L, 35 tuổi, sống tại Tây Hồ (Hà Nội) đã quyết định đến một spa gần nhà trị nám. Tại đây, nhân viên spa cam kết rằng chỉ cần thực hiện từ 1-2 liệu trình lột da hóa học (peel da) kết hợp tiêm meso, làn da của chị sẽ trở nên căng bóng và sạch nám.
Tin vào những lời hứa “hiệu quả thần tốc”, chị L nhanh chóng chuyển hết tiền điều trị với mong muốn có gương mặt sáng đẹp đón Tết. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành buổi đầu tiên, chị L nhận thấy da mình có dấu hiệu bất thường. “Ban đầu, khi vừa lột xong, da tôi rất rát. Nhưng nhân viên spa trấn an rằng đây là dấu hiệu tốt, rằng càng rát thì da sẽ càng đẹp”, chị L chia sẻ.
Thế nhưng, chỉ sau một tuần, toàn bộ vùng da điều trị bắt đầu chuyển sang thâm sạm nghiêm trọng, khiến chị vô cùng hoảng sợ. Quá lo lắng, chị lập tức đi khám.
Tiếp nhận điều trị, thăm khám cho bệnh nhân, thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp biến chứng mà bác sĩ điều trị trong thời gian gần đây. Có những ngày anh điều trị 5-7 ca bị nám mặt hỏng mặt vì làm đẹp cấp tốc đón Tết. Họ tìm đến những dịch vụ, lời quảng cáo có cánh của các spa, cơ sở làm đẹp cấp tốc vì hoảng hốt khi thấy Tết đang cận kề.
Như trường hợp của chị L, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, tăng sắc tố sau viêm khiến hai má và trán bị đen sạm do lột tẩy bằng hóa chất mạnh, laser năng lượng rất cao. Trước lúc can thiệp, bệnh nhân chỉ nám ở hai gò má, hiện lan rộng sang quanh lông mày, trán, cảm giác ngứa rát.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành đang khám cho một bệnh nhân.
Các nguyên nhân phổ biến, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, là do người bệnh lầm tưởng vào lời quảng cáo từ các cơ sở không uy tín. Nhiều cơ sở thẩm mỹ nhỏ lẻ sử dụng những lời quảng cáo hấp dẫn như “sạch nám chỉ sau một liệu trình” hay “peel càng mạnh, da càng đẹp” để thu hút khách hàng.
“Thực tế, các phương pháp xâm lấn như peel sâu hoặc sử dụng laser không đúng cách là con dao hai lưỡi, đặc biệt đối với làn da người Việt - vốn thuộc loại da số 3 hoặc số 4, dễ bị tăng sắc tố sau viêm. Nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng da bong tróc, nhiễm trùng, mưng mủ. Một số khác xuất hiện các tổn thương nặng hơn như viêm da tiếp xúc cấp tính hoặc kích ứng mãn tính”, bác sĩ Thành phân tích.
Làm đẹp là cả một quá trình
Trong thời gian ngắn trước Tết, các dịch vụ làm đẹp như tiêm filler, botox, lột da hóa học, hay làm trắng da cấp tốc được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và các spa. Những lời hứa hẹn “đẹp ngay sau một lần thực hiện” hay “hiệu quả tức thì” thường đánh vào tâm lý muốn thay đổi nhanh chóng của khách hàng. Đặc biệt, việc tiêm filler nâng ngực sai cách tại các cơ sở không được cấp phép ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu cho cô gái trẻ biến chứng khi tiêm chất làm đầy ngực.
Một trường hợp là nữ bệnh nhân 22 tuổi ở Hà Nội đến Bệnh viện Da liễu trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi và môi trên bên trái kèm theo mụn mủ, sưng nề do tiêm filler làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười). May mắn, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ một ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi, thậm chí dễ gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật.
Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ cơ sở, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử…, thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Mới đây, một cô gái 19 tuổi (Hòa Bình) cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu thành công sau khi đến spa tiêm filler (chất bị cấm) vào ngực.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cô gái trẻ T.H.L sau khi sinh con đầu lòng, ngực bị teo nhỏ đáng kể. Tin vào quảng cáo của một spa nâng ngực không phẫu thuật, cô gái đã được tư vấn tiêm chất làm đầy vào ngực. Sau tiêm, cô gái bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, choáng ngất, sốt rét run và được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện. Sau đó, nữ bệnh nhân thấy sưng đau và nổi cục nhiều ở ngực, thỉnh thoảng còn có các đợt sưng nóng và sốt.
Cô gái được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng từ chất làm đầy, một biến chứng rất nghiêm trọng gây đau đớn cho người bệnh. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi với hệ thống siêu âm màu đa bình diện để lấy bỏ được hầu hết các khối chất filler lổn nhổn khắp nơi ra khỏi ngực bệnh nhân. Đồng thời, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để giữ lại chức năng của tuyến vú, giúp bệnh nhân có thể tiếp tục làm mẹ, tiết sữa cho con trong tương lai. Với kỹ thuật này, bác sĩ đã có thể loại bỏ đến 90-95% chất filler một cách an toàn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giữ được chức năng của tuyến vú.
Bệnh nhân phục hồi sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị thành công ca biến chứng ngực.
Sau một tuần phẫu thuật sửa lại bầu ngực cho bệnh nhân, kết quả siêu âm cho thấy các chất làm đầy đã được loại bỏ gần như hoàn toàn khỏi bầu ngực.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, tiêm filler, hay còn gọi là tiêm chất làm đầy vào ngực, là một hành động không được phép theo quy định của Bộ Y tế. Trước đây, một số người đã tiêm silicon lỏng vào ngực nhưng loại chất này đã bị cấm từ lâu. Hiện nay, một số sản phẩm nhập lậu và không có giấy phép như mỡ nhân tạo được sử dụng để tiêm vào cơ thể. Những chất này không rõ nguồn gốc và không an toàn, đặc biệt khi tiêm vào tuyến vú, một mô có chức năng tiết sữa và có nguy cơ gây ung thư cao.
Việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào ngực có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay lập tức, có thể xảy ra tình trạng tắc mạch máu, chất tiêm có thể di chuyển lên não hoặc phổi và gây tắc mạch ở các cơ quan này. Điều này tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc, tại các cơ sở không được cấp phép còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhiều bệnh nhân sau khi tiêm filler ở các spa - nơi không được cấp phép - và chất làm đầy không rõ nguồn gốc thường gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như: Bị sốt, rét run, nhiễm trùng hoặc bị chảy mủ qua vết tiêm.
Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn có thể kéo dài và làm ngực sưng đau, nổi cục hoặc thậm chí chảy mủ qua các vết rò. Những tình trạng này có thể kéo dài và điều trị rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện điều trị dài ngày, thậm chí phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
Theo thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành nhu cầu làm đẹp dịp cuối năm của chị em phụ nữ ngày càng tăng cao. Không chỉ điều trị nám mà những xu hướng như tiêm tai tài lộc hay làm đầy thái dương cũng đang được nhiều chị em ưa chuộng.
Tuy nhiên, trước khi làm đẹp, bác sĩ Thành khuyến cáo, chị em nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ có uy tín, đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Làm đẹp là hành trình cần thời gian và phương pháp an toàn. Việc làm đẹp tại những cơ sở không đảm bảo chất lượng có thể tiềm ẩn những rủi ro khôn lường đến sức khỏe của người thực hiện.
Ngọc Trâm
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/lam-dep-cap-toc-tien-mat-tat-mang-i757426/