Giới chơi cây cảnh ở xứ Nghệ thường gọi nghề này là "làm đẹp" cho cây, giúp tán nhánh cân đối, hài hòa, giàu tính nghệ thuật, từ đó làm tăng giá trị của cây. Nghề này hoạt động quanh năm, nhộn nhịp nhất vào vụ Tết. Đây là lúc các cơ sở kinh doanh hay chủ vườn cần tạo ra những dáng cây độc đáo, lạ mắt để thu hút khách hàng, cũng như đón tiếp bạn bè và người thân đến chơi nhà trong dịp Tết.
Mùa chăm sóc cây cảnh nhộn nhịp vào dịp cận Tết, giúp nhiều người có thu nhập khá.
Nâng giá trị cho cây cảnh
Ông Trần Văn Đệ (70 tuổi, quê ở Nam Định), có hơn 30 năm kinh nghiệm chơi và sửa cây cảnh cho biết, những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh khá phát triển. Người đam mê không gian xanh, yêu thích cây cảnh rất nhiều. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để định hình, tạo dáng cho cây.
Ông Đệ quê ở Nam Định đang tỉ mỉ tỉa lá, uốn cành tạo thế cho cây tùng la hán.
"Thông thường có một nhóm chuyên sửa cây hoa, trái, thú hay trang trí. Nhóm còn lại là những thợ lành nghề chuyên về cây cảnh nghệ thuật như bonsai, cảnh cổ... Thợ chuyên sửa cây cảnh phải có nhiều năm kinh nghiệm, tay nghề cao, am hiểu về đặc tính của từng loại cây và dựa theo dáng thế tự nhiên của cây để chỉnh sửa", ông Đệ chia sẻ.
Theo ông Đệ, công việc này không khó nhưng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, có sự am hiểu nhiều về cây cảnh và có sự sáng tạo để tạo nhiều thế độc, lạ.
Vào những tháng sát Tết, mọi người thuê nhiều, những thợ có tay nghề cao phải "chạy sô" cả ngày lẫn đêm. "Nhiều người do bận công việc nên không có thời gian chăm sóc, cây phát triển um tùm, "phá" hết thế. Để dựng phom cho cây hay "biến" những dáng cây tưởng chừng đơn giản thành nhiều thế độc, lạ, bắt mắt, đòi hỏi người thợ phải biết quan sát, sáng tạo và có gu thẩm mỹ cao", ông Đệ nói.
Đối với những cây kiểng cổ thụ, phải bắt giàn giáo để uốn, sửa.
Để có một tác phẩm phải qua nhiều bước chỉnh sửa mất nhiều năm mới hoàn thiện. Nhiều cây cảnh thô qua bàn tay của thợ lành nghề có thể nâng tầm lên hàng trăm triệu đồng.
Chạy sô mùa Tết, có tiền triệu mỗi ngày
Có hơn 20 năm theo nghề, anh Nguyễn Văn Việt (54 tuổi, trú xã Nghi Đức TP Vinh, Nghệ An) cho biết, đồ nghề đi "làm đẹp" cho cây rất đơn giản, chỉ cần chiếc kéo và cưa. Phụ kiện là dây thép, dây nhôm cùng vài thanh tre nẹp giữ dáng.
"Riêng mùa Tết là mùa ăn nên làm ra của các thợ sửa cây, ai cũng phải "chạy sô" hết công suất. Với những người thợ có tay nghề cao, việc chỉnh sửa một cây cảnh cỡ nhỏ hoặc trung bình mất từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Thông thường, các nhà vườn sẽ khoán luôn mỗi ngày từ 1 - 1,5 triệu đồng tiền công tùy mức độ khó dễ của từng loại cây, tạo thế dáng có phức tạp hay không. Nhờ đó thu nhập rất khá", anh Việt nói.
Theo những người thợ lành nghề, khó khăn nhất đối với nghề sửa bonsai là đánh giá cây khoảng bao nhiêu tuổi đời, dự hướng phát triển bộ rễ, tán lá ra sao để lên phương án tạo dáng cho đẹp nhất, an toàn nhất.
Công việc này đòi hỏi tay nghề cao, sự sáng tạo, khéo léo, người thợ được trả tiền triệu mỗi ngày.
"Nghề này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, am hiểu rất nhiều yếu tố nghệ thuật như tạo hình, quá trình sinh trưởng của cây, bộ óc trừu tượng phong phú. Điều đó không thể học qua trường lớp nào được cả", anh Việt cho biết.
Theo anh Việt, nghề này cũng lắm vất vả, khó khăn. Để sửa, uốn những cây cổ thụ, kích thước "khủng", nhóm thợ của anh phải bắt giàn giáo và cheo leo trên đọt cây suốt nhiều ngày để uốn tàn. Thậm chí miệt mài làm việc bỏ bữa, kiệt sức là chuyện thường ngày. "Một số cây tôi sẽ sưu tầm về chỉnh sửa cho đẹp rồi bán lại cho người chơi kiểng. Nhiều khách hàng có cây sẵn họ vẫn thuê chăm sóc, tạo hình. Đặc biệt, vào mùa Tết, đối với thợ lành nghề việc chạy hết công suất có thể kiếm được vài triệu đồng mỗi ngày rất dễ dàng", anh Việt nói thêm.
Qua bàn tay của những người thợ lành nghề nhiều cây kiểng được nâng tầm giá trị.
Anh Lê Văn Hòa (25 tuổi), hiện vừa làm vừa theo học nghề sửa cây cảnh tại xã Nghi Đức cho biết, nghề này đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao. "Tôi đang trong quá trình học nghề. Để sửa cây cổ thụ, cần sức khỏe dẻo dai, bởi ngày nào cũng phải cheo leo trên ngọn cây. Thợ phụ như tôi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm. Cuối vụ, cũng kiếm được vài chục triệu ăn tết", anh Hòa chia sẻ.
Ngoài chăm sóc cây, dịp này nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp ở Nghệ An bắt đầu vào vụ Tết. Chủ các cửa hàng phải thuê thợ ngoại tỉnh về kết lan. Thức xuyên đêm làm việc, thợ cắm lan kiếm cả trăm triệu đồng trong tháng Tết.
Anh Phan Quốc Tiến, một thợ kết lan từ Sài Gòn ra Nghệ An làm việc cho biết, đã làm nghề kết lan đã 7 năm nay. "Trung bình thu nhập mỗi ngày kiếm khoảng 5 - 7 triệu đồng. Có ngày cao điểm nhiều đơn hàng, làm việc cật lực đưa lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Mỗi vụ kết lan Tết kéo dài 20 ngày, tôi kiếm khoảng trên 100 triệu đồng là bình thường", anh Tiến nói.
Hoàng Trinh