Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông sau sáp nhập sẽ hình thành trung tâm kinh tế lớn

Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông sau sáp nhập sẽ hình thành trung tâm kinh tế lớn
5 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 28/4, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI tổ chức kỳ họp thứ 34 (chuyên đề). Tham dự có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Hoài Anh.
Lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông.
Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận vào chiều ngày 28/4.
Ông Đỗ Văn Chung – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết, theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận, thành lập tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm tỉnh Lâm Đồng diện tích tự nhiên là 9.781,20 km2, quy mô dân số là 1.595.597 người. Tỉnh Bình Thuận diện tích tự nhiên là 7.942,60 km2, quy mô dân số là 1.531.253 người và tỉnh Đắk Nông diện tích tự nhiên là 6.509,27 km2, quy mô dân số là 746.149 người.
Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2 (đạt 302,91% so với tiêu chuẩn của tỉnh miền núi, vùng cao; đạt 484,66% so với tiêu chuẩn của tỉnh còn lại); quy mô dân số là 3.872.999 người (đạt 430,33% so với tiêu chuẩn của tỉnh miền núi, vùng cao; đạt 276,64% so với tiêu chuẩn của tỉnh còn lại). Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau khi sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Ông Đỗ Văn Chung – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận đọc tờ trình và nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tờ trình và nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận, việc đề xuất phương án nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành một tỉnh nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với tình hình mới. Tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế và tăng khả năng tự cân đối ngân sách của cả 3 địa phương: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông sau khi sáp nhập; góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tổng số cử tri đồng ý sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông có 327.448 cử tri, chiếm tỷ lệ 98,43%.
Các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận – ông Hoàng Thanh Liêm cho biết, theo báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông. Trên cơ sở nghiên cứu về lịch sử hình thành, đánh giá thực trạng ĐVHC của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận theo các tiêu chí như: diện tích tự nhiên, quy mô dân số, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, quy mô phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế, ... UBND tỉnh đã xây dựng, triển khai lấy ý kiến nhân dân và các sở, ngành, địa phương đối với Đề án sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng và đã có sự thống nhất cao.
Tỉnh Bình Thuận có những đơn vị hành chính cấp xã nào?
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận năm 2025.
Tỉnh Bình Thuận sau sắp xếp có 45 ĐVHC cấp xã, gồm: 36 xã, 08 phường và 01 đặc khu (Phú Quý); giảm 76 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ 62,80% (gồm 56 xã, 08 phường và 12 thị trấn).
Chủ tọa kỳ họp phát biểu.
Theo đó, sáp nhập phường Mũi Né, xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến thành phường Mũi Né; Phường Thanh Hải, phường Phú Thủy và phường Phú Hài thành phường Phú Thủy; Phường Phú Trinh, phường Lạc Đạo và phường Bình Hưng thành phường Phan Thiết; Phường Đức Long và xã Tiến Thành thành phường Tiến Thành; Xã Tiến Lợi và xã Hàm Mỹ thành xã Tuyên Quang (tên tỉnh kết nghĩa với Bình Thuận).
Tiếp đó là Thị trấn Phú Long, xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc) và phường Xuân An (Phan Thiết) thành phường Hàm Thắng; Xã Hàm Hiệp, xã Phong Nẫm và phường Phú Tài thành phường Bình Thuận. Thành lập đặc khu Phú Quý trên cơ sở sáp nhập xã Long Hải, xã Ngũ Phụng và xã Tam Thanh tại huyện đảo Phú Quý.
Một khu du lịch ở xã Tiến Thành, tiềm năng phát triển của tỉnh Bình Thuận.
Đối với các tên huyện hiện nay của tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục lưu giữ thành đơn vị hành chính cấp xã, phường mới như phường La Gi, xã Hàm Tân, xã Hàm Thuận Nam, xã Hàm Thuận Bắc, xã Hàm Thuận, xã Bắc Bình, xã Tuy Phong, xã Đức Linh, xã Tánh Linh…
Nguyễn Đắc Phú
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/lam-dong-binh-thuan-dak-nong-sau-sap-nhap-se-hinh-thanh-trung-tam-kinh-te-lon-204250428163219422.htm