Lâm Đồng cần 'thiết kế' hệ sinh thái vốn đầu tư

Lâm Đồng cần 'thiết kế' hệ sinh thái vốn đầu tư
5 giờ trướcBài gốc
Khai thác kháng sản một trong các thế mạnh của Lâm Đồng
THỰC TRẠNG NGUỒN ĐẦU TƯ
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, hiện trạng nguồn vốn đầu tư tại 3 tỉnh trước khi sáp nhập, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế. Cụ thể, đối với tỉnh Lâm Đồng, tỷ trọng đầu tư công trong cơ cấu tổng đầu tư xã hội xấp xỉ 28% so với kế hoạch trong năm 2024 và chưa phát huy hết nguồn lực hiện có. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư của tỉnh nhưng sử dụng một quỹ đất đáng kể. Hạn chế đối với Lâm Đồng là thiếu quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương, cơ chế thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng chưa đồng bộ.
Còn tỉnh Bình Thuận có lợi thế về năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời) đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn nhưng chủ yếu là vốn tư nhân trong nước, đầu tư công tập trung mạnh vào hệ thống giao thông ven biển. Tồn tại đó là thiếu kết nối tài chính vùng và hạ tầng logistics đồng bộ để kích hoạt dòng vốn FDI cao cấp.
Riêng tỉnh Đắk Nông, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2024 tăng 2,06% - tương đương trên 19.350 tỷ đồng so với cùng kỳ; song chưa có nhiều dự án FDI lớn, đầu tư tư nhân tập trung ở khai thác khoáng sản và nông nghiệp. Hạn chế, thiếu quỹ đất sạch, hạ tầng giao thông - công nghệ còn hạn chế...
GẮN LỢI THẾ VỚI CHÍNH SÁCH MỚI CỦA ĐẢNG
Qua phân tích thực trạng đầu tư nêu trên cho thấy, khi chưa sáp nhập, cả 3 tỉnh đều có động lực riêng về địa kinh tế và nguồn lực, nhưng còn phân tán và thiếu cơ chế tích hợp vốn. Do đó, “việc hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng mới sẽ tạo điều kiện để thiết kế một hệ sinh thái tài chính - đầu tư vùng có chiến lược, có cơ sở pháp lý, có tổ chức vận hành chuyên biệt, giúp tối ưu hóa nguồn lực hiện có và thu hút các nguồn vốn mới”, ThS Kiều Công Thược - Chủ tịch VNFUND chia sẻ.
Mặt khác, dựa trên những lợi thế nổi trội của Lâm Đồng như: Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, trung tâm hành chính - khoa học; kinh tế biển, năng lượng tái tạo, cảng nước sâu và thế lợi khoáng sản, đất đỏ bazan, tiềm năng công nghiệp chế biến... nhằm hoàn thiện thể chế đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tài chính vùng. Qua đó, đề xuất mô hình đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư gắn với các nghị quyết mới của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới; về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; về phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế trong tình hình mới... Vì vậy, Lâm Đồng cần sớm xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề cấp tỉnh về đa dạng hóa nguồn vốn và phát triển thị trường tài chính - đầu tư vùng Lâm Đồng mở rộng và coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong chiến lược phát triển giai đoạn mới 2025 - 2030.
Một số giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn đối với tỉnh Lâm Đồng đó là: Hoàn thiện thể chế đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tài chính vùng, phát triển mô hình tài chính hỗn hợp; huy động vốn đầu tư phát triển bằng cách kết hợp giữa nguồn vốn công và vốn tư nhân, trong đó ưu tiên triển khai PPP trong 3 lĩnh vực mũi nhọn giao thông, giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số; thu hút mạnh đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, gắn với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo; mở rộng nguồn vốn cộng đồng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường quản trị tài khóa địa phương và minh bạch hóa thông tin đầu tư...
Với quyết tâm chính trị cao và sự chủ động thể chế hóa các mô hình tài chính mới, Lâm Đồng có thể trở thành hình mẫu của một tỉnh phát triển bằng đổi mới sáng tạo tài chính, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của quốc gia. Vậy nên đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư không chỉ là yêu cầu tài chính, mà là đòn bẩy mang tính chiến lược trong hiện thực hóa mô hình phát triển kinh tế vùng sau sáp nhập.
Kết luận số 65-TB/ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, ngày 4/6/2025 thống nhất với đề xuất của Đảng ủy Bộ Tài chính về định hướng điều chỉnh phân vùng và điều chỉnh quy hoạch vùng kinh tế - xã hội để phù hợp với định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, cả nước được chia thành 6 vùng và Lâm Đồng thuộc vùng Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 6 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng.
XUÂN TRUNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/lam-dong-can-thiet-ke-he-sinh-thai-von-dau-tu-381263.html