Đặc khu Phú Quý ra quân với đội hình "Bình dân học vụ số".
Sáng 7/7/2025, tuổi trẻ Đặc khu Phú Quý đã ra quân đội hình “Bình dân học vụ số” để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính công. Với tinh thần “Vì dân phục vụ – Chuyên nghiệp – Trách nhiệm – Nhiệt huyết”, các đội hình thanh niên tình nguyện đã có mặt tại các trung tâm hành chính để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin, từ đó từng bước đưa chính quyền đến gần dân hơn bằng công nghệ số.
Các bạn trẻ của Đặc khu Phú Quý tận tình hướng dẫn người dân nơi đây.
Đây là hình ảnh sinh động cho thấy rõ vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện chuyển đổi số, và càng khẳng định sự cấp thiết, ý nghĩa sâu rộng của phong trào “Bình dân học vụ số” trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, tại Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng Chính phủ, nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện… từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số”.
Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thực tế cho thấy, sau sáp nhập, nhiều địa phương có quy mô lớn hơn, phạm vi quản lý rộng hơn, số lượng dân cư đa dạng, nhiều thành phần hơn. Điều này dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ hành chính cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ “mù công nghệ”, “mù dịch vụ công trực tuyến” sẽ trở thành một rào cản lớn cho người dân, nhất là người cao tuổi, người yếu thế, ngư dân vùng đảo, đồng bào vùng sâu, vùng xa… Trong bối cảnh ấy, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ cần thiết mà còn là giải pháp mang tính hệ thống, có thể huy động được toàn xã hội cùng vào cuộc, từ chính quyền, đoàn thể đến doanh nghiệp, trí thức, thanh niên và người dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rõ ràng: “Bình dân học vụ số” phải trở thành phong trào cách mạng, mang tính toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, yêu cầu các địa phương xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn với cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Trong thời đại số, người dân không chỉ cần biết đọc, biết viết mà còn cần biết tra cứu, biết tương tác, biết bảo vệ dữ liệu cá nhân và khai thác hiệu quả các dịch vụ số. Nếu như trước đây, việc xóa mù chữ đã góp phần xây dựng nền móng văn hóa, xã hội, thì ngày nay, việc xóa mù số sẽ là điều kiện để xây dựng một nền hành chính hiện đại, một nền kinh tế tri thức và một xã hội hội nhập. Bên cạnh đó, việc sáp nhập địa phương cũng đòi hỏi tinh thần tự chủ cao hơn từ mỗi người dân trong tương tác với chính quyền. Thay vì đến trực tiếp UBND xã/phường/ đặc khu thì người dân có thể gửi hồ sơ, tra cứu thủ tục hoặc nhận kết quả qua mạng, song điều này chỉ khả thi khi người dân có kiến thức số căn bản. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng hệ sinh thái học tập số, cơ chế khuyến khích học kỹ năng số, phát triển đội ngũ tình nguyện viên số và các nền tảng học tập mở phù hợp từng đối tượng, nhất là người già, lao động phổ thông, học sinh – sinh viên.
Phong trào "Bình dân học vụ số" chính là lời giải then chốt để rút ngắn khoảng cách số.
Trong kỷ nguyên số và sau những thay đổi lớn về địa giới hành chính, phong trào “Bình dân học vụ số” chính là lời giải then chốt để rút ngắn khoảng cách số, lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng học tập suốt đời, đưa tri thức số đến tận mọi miền đất nước. Lâm Đồng mới, với vị thế là trung tâm phát triển xanh cần sớm trở thành điểm sáng trong việc thực hiện phong trào này, để mỗi người dân đều có thể bước vào thế giới số một cách tự tin, chủ động và bình đẳng.
Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45% trong cả nước, nhưng con số đó vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương. Lâm Đồng nói riêng, các địa phương sau sáp nhập nói chung cần xác định rõ phong trào “Bình dân học vụ số” là nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính, phát triển bền vững và bảo đảm công bằng số.
Thanh Nhàn