Lâm Đồng đẩy mạnh 3 trụ cột phát triển

Lâm Đồng đẩy mạnh 3 trụ cột phát triển
17 giờ trướcBài gốc
Nhân lên tiềm năng, thế mạnh
Sáp nhập từ 3 tỉnh cũ là Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên 24.233km2, dân số hơn 3,8 triệu người, 124 xã, phường và đặc khu, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 329.870 tỷ đồng (tháng 6-2025), đứng thứ 8 cả nước. Với không gian rộng lớn, địa hình đa dạng, có đồng bằng, cao nguyên, biên giới và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, văn hóa đặc sắc... Theo các chuyên gia, một trong những thế mạnh lớn nhất của Lâm Đồng là sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, có giá trị kinh tế cao. Theo công bố năm 2024 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng bô xít tại Việt Nam đạt khoảng 5,8 tỷ tấn, đứng thứ hai thế giới, trong đó khoảng 80% tập trung tại hai tỉnh cũ là Đắk Nông và Lâm Đồng. Sau khi sáp nhập, Lâm Đồng trở thành trung tâm khai thác bô xít và điện phân nhôm quốc gia với những dự án lớn đã vận hành, đang thi công hoặc đang xin chủ trương.
Đô thị Đà Lạt, trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới.
Cùng với bô xít, Lâm Đồng còn sở hữu một loại khoáng sản đặc biệt quan trọng khác, được xem là “chiến lược” của tương lai, đó là quặng titan. Vùng ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận trước đây tập trung khoảng 92% trữ lượng titan của Việt Nam, tương đương 600 triệu tấn. Các đánh giá đều cho rằng, nếu làm tốt công tác quy hoạch, khai thác, chế biến, xuất khẩu thì giá trị mang lại từ hai loại khoáng sản này có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế-xã hội của tỉnh.
Du lịch cũng là ngành có tiềm năng lớn khi tỉnh Lâm Đồng có các địa danh du lịch nổi tiếng như Tà Đùng, Đà Lạt, Mũi Né, La Gi, kết hợp hệ thống di sản, danh lam, thắng cảnh, khí hậu phong phú đa dạng, hấp dẫn. Du lịch Lâm Đồng như "hổ mọc thêm cánh" khi hội tụ đủ các yếu tố “núi cao, hồ rộng, biển xanh, đảo đẹp”, có nhiều cơ hội vươn lên trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới.
Ngoài các thế mạnh kể trên, Lâm Đồng còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; trung tâm năng lượng gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời... Điều này cho phép địa phương hình thành cơ cấu kinh tế đa dạng, linh hoạt, tạo ra hệ sinh thái kinh tế đa trụ cột, giúp giảm rủi ro từ phụ thuộc đơn ngành, đồng thời tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khởi nghiệp.
Đột phá về hạ tầng, thể chế và chuyển đổi số
Vừa qua, phát biểu tại lễ công bố thành lập tỉnh Lâm Đồng mới, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có nhiều cơ hội, động lực giúp khai thác hiệu quả tiềm năng về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, cùng các đô thị biển và cao nguyên đặc sắc; mở ra không gian kinh tế liên kết, đa trung tâm, phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quy hoạch lại các vùng sản xuất, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, hình thành các chuỗi giá trị mới và nâng cao đời sống người dân”.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi sáp nhập, địa phương sẽ khẩn trương xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, dựa trên một cấu trúc không gian mở, kết nối 3 vùng sinh thái: Cao nguyên-trung du-duyên hải, tạo nên một chỉnh thể phát triển thống nhất, đồng bộ và có khả năng lan tỏa mạnh. Trong đó, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, hệ thống cảng biển, sân bay, logistics, hạ tầng số và hành lang sinh thái sẽ được quy hoạch tích hợp, vận hành thông minh và gắn bó chặt chẽ; hình thành hai trục phát triển chiến lược Đông-Tây, Bắc-Nam kết nối Tây Nguyên và vùng duyên hải, kết nối Lâm Đồng với khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ...
Tổ hợp bô xít - nhôm Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội thảo khoa học về những định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng mới giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Lâm Đồng cần tập trung vào 3 khâu đột phá: Hạ tầng, thể chế và chuyển đổi số, trong đó cần ưu tiên cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp nhằm kích hoạt các dư địa và nguồn lực khác. Về thể chế, tỉnh rộng và có đặc thù nên cũng cần một thể chế đặc thù. Về chuyển đổi số, nên tập trung vào chính quyền số, kinh tế số...
Đối với hạ tầng giao thông, Lâm Đồng đang đẩy mạnh các dự án tăng cường giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng. Ngày 29-6 vừa qua, địa phương này đã khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương dài 73,62km, chuẩn bị khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc-Tân Phú dài 66km với số vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng... Địa phương cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí nhằm sớm triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28 nhằm tăng cường kết nối giao thông theo trục Đông-Tây của tỉnh với chiều dài 310km; đề nghị Trung ương phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ đồng bằng ven biển lên biên giới Campuchia, cao tốc Đà Lạt-Nha Trang. Với các dự án giao thông đã và sẽ thực hiện, dự kiến đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có ít nhất 5 tuyến cao tốc, 2 sân bay, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với tiềm năng khoáng sản, Lâm Đồng hiện có hai dự án bô xít lớn là Tổ hợp bô xít-nhôm Tân Rai và Nhà máy Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam quản lý, cả hai nhà máy đều có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin mỗi năm. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 tại xã Quảng Sơn (Lâm Đồng) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.000 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh thủ tục để khởi công. Vừa qua, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã đề xuất triển khai dự án tổ hợp bô xít-alumin-nhôm với tổng vốn đầu tư hơn 103.000 tỷ đồng. Đây là tổ hợp công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kết hợp khai thác khoáng sản, chế biến sâu và phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Sự cộng hưởng từ quyết định hành chính mang tính lịch sử cùng với những tiềm năng, thế mạnh và quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng hứa hẹn mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của vùng đất xinh đẹp tại Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-dong-day-manh-3-tru-cot-phat-trien-836292