Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề cập tới định hướng phát triển điện hạt nhân trong số liệu phục vụ tính toán, hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, tỉnh đề xuất được triển khai nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân nhằm tận dụng lợi thế hiện có của địa phương là viện nghiên cứu hạt nhân duy nhất trên cả nước; chuyên ngành đào tạo vật lý hạt nhân của Trường Đại học Đà Lạt trên địa bàn.
Từ năm 2030, sau khi hoàn thành nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực để tổ chức thực hiện, tỉnh sẽ báo cáo Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư dự án điện hạt nhân quy mô 300 - 500MW/nhà máy nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài đề xuất táo bạo về điện hạt nhân, Lâm Đồng trước mắt muốn bổ sung loạt dự án thủy điện tích năng quy mô lớn và điện mặt trời nổi từ nay tới 2030. Ảnh: Hoàng Anh
Bên cạnh thông tin đáng chú ý về điện hạt nhân nêu trên, Lâm Đồng cũng xin thêm gần 9.160MW nguồn điện tiềm năng để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 bổ sung khoảng 5.800MW, giai đoạn sau 2030 là hơn 3.300MW.
Trong danh mục các dự án nguồn cụ thể, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thủy điện tích năng với 7.100MW từ bảy dự án, xếp sau là điện gió với khoảng 1.200MW từ 12 dự án, thủy điện vừa và nhỏ khoảng 320MW từ 21 trường hợp.
Về điện mặt trời tập trung, danh mục tiềm năng cho thấy tổng công suất đề xuất là 470MW chia cho sáu dự án.
Trước mắt, ở giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh kiến nghị cho phép bổ sung, thực hiện năm dự án điện mặt trời nổi trên các hồ thủy điện Đại Ninh, Đa Dâng 2, Đồng Nai 2, Đồng Nai 5, Krông Nô 3 với tổng công suất 431MW.
Như vậy, nếu đề xuất của tỉnh được cập nhật bổ sung, cùng hơn 700MW tổng công suất sẵn có, Lâm Đồng sẽ có tổng cộng khoảng gần 9.900MW điện được triển khai, bổ sung vào năng lực cung ứng điện cho kinh tế - xã hội trên địa bàn từ nay tới 2050.
Thái Bình