Bài 1: Bức tranh thu hút đầu tư tại Lâm Đồng
Năm 2024, công tác xúc tiến đầu tư của Lâm Đồng đối mặt với nhiều thách thức, dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Theo báo cáo, dù năm 2024, toàn tỉnh chỉ thu hút được 3 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 95 tỷ đồng; nhưng có 37 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng thêm 6.350,9 tỷ đồng vốn đầu tư, cho thấy có sự tin tưởng và những dấu hiệu nhà đầu tư đã quay trở lại. Tuy nhiên, có đến 10 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động với tổng vốn đăng ký 634,86 tỷ đồng và diện tích đất 48,72 ha, đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm về hiệu quả triển khai dự án và môi trường đầu tư…
Hệ thống giao thông ở cửa ngõ Đà Lạt được đầu tư, nâng cấp phù hợp với sự phát triển đô thị và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội
Tính đến nay, toàn tỉnh có 935 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 149.567,9 tỷ đồng, trong đó, 678 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua việc tạo việc làm, tăng thu ngân sách và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường. Đây là một con số ấn tượng, thể hiện tiềm năng và sức hấp dẫn của Lâm Đồng đối với các nhà đầu tư.
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư của tỉnh. Lâm Đồng hiện có 97 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đăng ký đạt 13.702 tỷ đồng, tương đương khoảng 581,7 triệu USD. Các dự án này sử dụng một quỹ đất đáng kể, khoảng 2.245,9 ha. Đáng chú ý, tỷ lệ dự án FDI đã hoàn thành và đi vào hoạt động là rất cao, lên tới 91 dự án, chiếm khoảng 93,8% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện ước tính khoảng 10.116 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng triển khai dự án hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài tại Lâm Đồng, cũng như sự hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với dòng vốn ngoại.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song bức tranh thu hút đầu tư của Lâm Đồng trong năm 2024 vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế. Số lượng dự án mới thu hút được còn khiêm tốn, và đáng lo ngại hơn là tình trạng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ có 1.205 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 6.789,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 8,85% và 30%.
Đáng chú ý hơn, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động lại có xu hướng gia tăng mạnh, với 867 doanh nghiệp, tăng tới 34,42% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp giải thể cũng tăng, với 258 doanh nghiệp, tăng 4,88%. Những con số này phản ánh những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại, có thể liên quan đến biến động thị trường, chi phí hoạt động gia tăng, hoặc những thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn và duy trì hoạt động kinh doanh…
Tuy nhiên, có một điểm sáng trong phát triển kinh tế tư nhân là có tới 368 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trong năm 2024, tăng 23,08% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự nỗ lực và khả năng phục hồi của một bộ phận doanh nghiệp, khi họ tìm cách vượt qua khó khăn để tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp còn pháp nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 14.740 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 179.127 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tập thể cũng đóng góp vào sự đa dạng của nền kinh tế tỉnh, với 578 hợp tác xã có tổng vốn điều lệ đăng ký trên 1.200 tỷ đồng và thu hút 76.000 thành viên, cùng với 5 liên hiệp hợp tác xã.
Tỉnh Lâm Đồng cũng tiến hành rà soát hơn 200 dự án chậm tiến độ, để đánh giá một cách toàn diện đối với các dự án này và phân loại các dự án. Theo ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Tài chính, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng là chú trọng đồng hành với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Đối với các dự án mà nhà đầu tư tâm huyết, có năng lực thực sự và có những nguyên nhân khách quan dẫn đến triển khai chậm thì cũng sẽ hỗ trợ để cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai các dự án theo đúng trình tự pháp luật.
Còn đối với các dự án mà nhà đầu tư năng lực kém hoặc có những nguyên nhân không thỏa đáng, hoặc không có quyết tâm đầu tư thì sẽ trình UBND tỉnh cương quyết thu hồi, để tạo dư địa tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, năm 2025, tỉnh vẫn tiếp tục tích cực kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Lâm Đồng, nhằm quyết tâm đạt mức tăng trưởng như Chính phủ giao cho năm 2005 là 9 - 10%...
(CÒN NỮA)
LÊ HOA