Lâm Đồng phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương

Lâm Đồng phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương
2 ngày trướcBài gốc
Vị trí khu dân cư, tái định cư mới có diện tích khoảng 23,1 ha, trên đường Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 5km. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Ngày 31/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1).
Đây là bước rất quan trọng trong việc triển khai xây dựng 2 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, nhằm kết nối thành phố Đà Lạt với thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng cao tốc đường bộ, đang triển khai hoàn thiện hồ sơ từ nhiều năm qua.
Cụ thể theo Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 31/3/2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1), bao gồm các nội dung chính gồm: phạm vi dự án với tổng chiều dài khoảng 73,62km. Điểm đầu từ Km126+484,93 thuộc địa phận phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trùng với điểm cuối cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai)-Bảo Lộc; điểm cuối khoảng Km200+100, giao với cao tốc Liên Khương-Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đều thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Quy mô đầu tư công trình giao thông đường bộ cấp I thuộc dự án nhóm A. Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc với chiều rộng nền đường 24,75m, tốc độ xe chạy 100 km/h theo Tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729:2012, có 2 làn dừng khẩn cấp. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác, vận hành cao tốc gồm Trung tâm điều hành giao thông thông minh, Trạm thu phí điện tử không dừng, Trạm dừng nghỉ, công trình kiểm soát tải trọng xe,... bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành…
Quyết định trên cũng phê duyệt Tổ chức tư vấn khảo sát xây dựng, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải-CTCP (TEDI). Thời gian thực hiện dự án các bước từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022-2027; hoàn thành đưa vào khai thác trong quý 4/2027. Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tổng mức đầu tư được phê duyệt theo Quyết định là 17.718 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 5.794 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 8.791 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 616 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.604 tỷ đồng. Lãi vay trong thời gian thi công 913 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn xây dựng được bố trí vốn ngân sách nhà nước 7.761 tỷ đồng, chiếm 43,8% tổng mức đầu tư giai đoạn 1; trong đó: vốn ngân sách địa phương bố trí 5.261 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 9.957 tỷ đồng, chiếm 56,2% tổng mức đầu tư giai đoạn 1, trong đó vốn chủ sở hữu nhà đầu tư khoảng 1.494 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 8.463 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước.
Theo quyết định trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ là cơ quan đứng ra ký kết hợp đồng; Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng là bên mời thầu. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang-FUTA GROUP, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang-FUTA GROUP là đại diện Liên danh Nhà đầu tư). Tổ chức tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải-CTCP.
Trong năm 2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức lựa đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi, bảo đảm đầu tư theo quy định Điều 79, Điều 80 Luật PPP năm 2020.Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo Điều 82 Luật PPP năm 2020, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định liên quan.
Trước đó lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để có thể khởi công hai Dự án Cao tốc trọng điểm Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương trước ngày 30/4/2025, hiện thực hóa giấc mơ kết nối Đà Lạt với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ bằng đường cao tốc.../.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/lam-dong-phe-duyet-du-an-dau-tu-cao-toc-bao-loc-lien-khuong-post1023763.vnp