Theo Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 31/10/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án cảnh báo sớm và theo dõi, xử lý sự cố sạt lở đất, lũ quét (Ban chỉ đạo) trên địa bàn tỉnh.
Ban chỉ đạo bao gồm 1 Trưởng ban, 2 Phó trưởng ban và 23 thành viên. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Trãi (Quyền Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và ông Nguyễn Hà Lộc (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm Phó trưởng ban.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có 23 thành viên gồm: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Lãnh đạo Công an tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương; Lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Bí thư Tỉnh đoàn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra các vụ sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ: Chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn, giảm sát, kiểm tra, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác theo dõi, xử lý sự cố sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh.
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, các chương trình, dự án đã ban hành trong Kế hoạch thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại Kế hoạch số 2151/KH-UBND ngày 19/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét trong phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ôn định, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Chỉ đạo thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin, cảnh bảo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét.
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ và tổng hợp báo cáo các nội dung liên quan theo yêu cầu. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện hoạt động, xây dựng trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.
Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 500 điểm nguy cơ sạt lở đất, ngập úng, lũ quét. Trong đó, có 396 vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở, 101 vị trí ngập úng, lũ quét và 3 vị trí sụt lún.
Nguyên nhân tình trạng trên là do tỉnh Lâm Đồng có địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao với các nhóm đất chính là đất đỏ bazzan, đất phù sa, kết cấu đất yếu. Bên cạnh đó, hàng năm Lâm Đồng có lượng mưa luôn cao hơn bình quân của cả nước, mưa kéo dài làm nền đất bị yếu, dễ gây sạt trượt.
Ngoài ra, các hoạt động xây dựng, san gạt, đào đắp tạo mặt tại các vị trí, khu vực sườn dốc, tayluy âm/dương cao cũng là nguyên nhân gây sạt trượt.
Thanh Tùng