UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để thẩm định, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Ảnh: VÕ TÙNG
Quy hoạch này hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn cảnh quan đặc trưng, đồng thời giải quyết các thách thức đô thị hóa trong thời gian tới.
Quy hoạch mở rộng hướng đến đô thị xanh, di sản
Theo đồ án, phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình từ 850m trở lên. Phạm vi lập quy hoạch rộng khoảng 336.067 ha, bao gồm toàn bộ TP Đà Lạt và các huyện lân cận.
Quy hoạch được thực hiện theo hai giai đoạn. Ảnh: VÕ TÙNG
Quy hoạch được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2035 và giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
TP Đà Lạt sẽ được phát triển theo định hướng trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, TP này cũng giữ vai trò là đô thị di sản, phát triển theo hướng bền vững, kết hợp giữa bảo tồn và hiện đại hóa.
Phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cấp đô thị
Về quy mô dân số, dự báo đến năm 2035, TP Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ có từ 1,1 - 1,15 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 850.000 - 900.000 người. Đến năm 2045, dân số toàn khu vực dự kiến đạt khoảng 1,9 - 1,95 triệu người.
Diện tích đất xây dựng đô thị dự kiến tăng lên khoảng 46.500 ha vào năm 2045, trong đó đất dân dụng chiếm khoảng 12.400 ha. Quy hoạch cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về đất ở, hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, xử lý nước thải và chất thải rắn nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ.
Về định hướng không gian, TP Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được chia thành hai khu vực phát triển chính, trong đó:
Vùng phía Bắc: gồm TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, có chức năng bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan và phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Vùng phía Nam: Tập trung vào phát triển các cụm đô thị vệ tinh như Đức Trọng, D’Ran, Thạnh Mỹ và Nam Ban. Trong đó, Đức Trọng sẽ là trung tâm sản xuất công nghệ cao, tài chính, thương mại, dịch vụ và logistics, định hướng trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh.
TP Đà Lạt cũng sẽ mở rộng không gian đô thị về phía Lạc Dương theo mô hình "Rừng trong thành phố - Thành phố trong rừng", tổ chức ba phân vùng với chín phân khu chức năng.
Hướng đến thành phố thông minh, giao thông hiện đại
Theo quy hoạch, hạ tầng giao thông sẽ được nâng cấp mạnh mẽ để đáp ứng tốc độ đô thị hóa và nhu cầu di chuyển ngày càng cao. Đáng chú ý, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các dự án lớn như cao tốc, sân bay để tạo động lực phát triển cho toàn khu vực.
TP Đà Lạt đặt mục tiêu phát triển đô thị theo định hướng mô hình TOD. Ảnh: VÕ TÙNG
Đồ án cũng đặt mục tiêu xây dựng TP Đà Lạt thành đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông, cấp nước, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Định hướng phát triển theo mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development) tại Đức Trọng nhằm tăng cường khả năng kết nối với Đà Lạt và các đô thị vệ tinh.
Đảm bảo quy trình pháp lý, công khai, minh bạch
UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định quy trình lập đồ án quy hoạch đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư tại các huyện liên quan, đồng thời tổ chức phản biện xã hội và báo cáo lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận tại Nghị quyết số 330/2024. Hiện tỉnh đang trình Bộ Xây dựng thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai các bước tiếp theo.
Việc điều chỉnh quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ giúp TP Đà Lạt giữ vững bản sắc đô thị du lịch - di sản, đồng thời phát triển bền vững, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
VÕ TÙNG