Tại tỉnh Lâm Đồng, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng quan tâm và thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện đại ngày ngày càng phát triển; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được các ngành chức năng quan tâm.
Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm do sử dụng các nhóm sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải một số thách thức như: đối tượng quản lý về an toàn thực phẩm thuộc ngành Công Thương đa dạng về loại hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như ngành nghề hoạt động, gặp khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Lâm Đồng hiện có 83 chợ, trong đó có 5 chợ kiểu mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm, 3 trung tâm thương mại, 4 siêu thị, 2 chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, chuỗi thứ nhất gồm 15 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống phân phối thực phẩm của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce và chuỗi thứ 2 gồm 47 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống phân phối thực phẩm của Chi nhánh Lâm Đồng- Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh. Việc kiểm soát, giám sát ô nhiễm thực phẩm cơ bản đã được thực hiện tốt ở các cơ sở, chợ có quy mô tập trung; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm bằng hình thức online chưa được được kiểm soát thường xuyên do lực lượng mỏng và thiếu phương tiện, cơ chế chính sách.
Trước những thách thức trong công tác an toàn thực phẩm những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Theo đó, tất cả các bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đều được công bố, công khai đầy đủ, rõ ràng dễ hiểu trên Cổng thông tin điện tỉnh của quốc gia, của tỉnh và của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tải quy trình, mẫu đơn một cách thuận lợi và thực hiện theo đúng quy định.
Công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã được thực hiện đồng bộ và toàn diện trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm được thực hiện trên môi trường mạng (Sở Công Thương thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống https://dichvucong.lamdong.gov.vn/ kết nối với Cơ sở dữ liệu dịch vụ công quốc gia dichvucong.gov.vn). Theo đó, người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên hệ thống dichvucong.lamdong.gov.vn và dichvucong.gov.vn, đồng thời quy trình giải quyết thủ tục hành chính an toàn thực phẩm được công khai, minh bạch, qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể kiểm soát được quy trình, các bước thực hiện của hồ sơ TTHC của Sở đang thực hiện. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả trực tiếp tại doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính và người dân có thể thanh toán các khoản phí, lệ phí thông qua hình thức chuyển khoản. Như vậy, người dân, doanh nghiệp không phải đi lại gây lãng phí thời gian và chi phí.
Việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan về ATTP được thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, Sở Công Thương đã triển khai cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu có liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm tại 02 địa chỉ: https://csdlsocongthuong.lamdongtructuyen.vn và https://lamdong.gov.vn/sites/sct/csdlattp/SitePages/Home.aspx.[A2] Đến nay 100% văn bản phát hành của Sở đều đã được triển khai ký số, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát hành văn bản giấy, việc nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Như vậy, quá trình trao đổi thông tin quản lý của ngành được nhanh chóng và thuận lợi.
Trong quá trình thẩm định các điều kiện về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương cũng đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra các hồ sơ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, nguyên liệu phụ gia được sử dụng, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc đăng tải hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Qua đó, giúp dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, cơ sở sản xuất các sản phẩm.
Bên cạnh đó, để kịp thời thông tin, triển khai chỉ đạo của cấp trên cũng như thu thập các thông tin số liệu về an toàn thực phẩm có liên quan, Sở Công Thương thành lập, tham gia các nhóm zalo, nhóm cộng đồng...
Lâm Đồng hy vọng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp quản lý, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm xuất, nhập khẩu; ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm… nhằm góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Huy Tưởng