Lâm Đồng: Xây dựng 'thiên đường xanh' trên nền tảng du lịch chất lượng cao

Lâm Đồng: Xây dựng 'thiên đường xanh' trên nền tảng du lịch chất lượng cao
2 giờ trướcBài gốc
Từng bước phát triển du lịch chất lượng cao
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cho thấy, trong giai đoạn 2022 - 2024, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là trên 65%.
Khoảng 150 đại diện doanh nghiêp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị.
Lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng trưởng bình quân hơn 58%; khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú; ngày lưu trú bình quân của khách đạt 2,4 ngày.
Đến cuối tháng 7/2024, số phòng đạt chuẩn cao cấp 4.882 phòng chiếm 12% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn 1-5 sao trên địa bàn tỉnh. Có khoảng 14.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ; trong đó có khoảng 84% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại.
Ngoài ra, ngành du lịch Lâm Đồng cũng đã triển khai quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững, trong đó có các đề án, như: xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Lạt; quy hoạch mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch; quy hoạch phát triển các tuyến du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch…
Ngành du lịch Lâm Đồng ngày càng khẳng định được thương hiệu, là điểm đến “an toàn, văn minh và thân thiện” đối với du khách trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác kinh doanh, thu hút du khách. Nghiên cứu và sản xuất một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, sản phẩm đặc sản của địa phương; khai thác hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ du lịch.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Phúc trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có nhiều đóng góp trong phát triển du lịch chất lượng cao.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương. Duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác đã thiết lập quan hệ cấp địa phương, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Malaysia… Tổ chức đón các đoàn trong nước và quốc tế đến khảo sát, tìm hiểu thông tin, mô hình sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Lâm Đồng...
Phấn đấu trở thành “thiên đường xanh”
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được qua hơn 2 năm triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch chất lượng cao.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội nghị.
“Du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Do đó, việc thực hiện thành công nghị quyết của tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao không chỉ đóng góp vào sự phát triển của riêng ngành du lịch mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng”, ông Phạm S nhấn mạnh.
Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục, như: các công trình trọng điểm về du lịch triển khai còn chậm so với yêu cầu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu để đầu tư, phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn, cao cấp. Tỷ lệ khách quốc tế trong tổng lượng khách đăng ký qua lưu trú còn thấp.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đồng nhất, sản phẩm du lịch còn thiếu tính độc đáo; công tác truyền thông trong quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn còn hạn chế, chưa tiếp cận được nhiều đối tượng du khách ở các thị trường quốc tế; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn gặp khó khăn, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng tin tưởng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, cùng với sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngành du lịch Lâm Đồng sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong nghị quyết, xây dựng Lâm Đồng thành điểm đến du lịch chất lượng cao, hấp dẫn và bền vững.
Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và khu vực. Phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể.
"Du lịch Lâm Đồng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo”, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Dịp này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao bằng khen cho 16 tập thể đã có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
Viên Hữu
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/lam-dong-xay-dung-thien-duong-xanh-tren-nen-tang-du-lich-chat-luong-cao/20241030051116479