Làm đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội nhiều nhất trong 2 năm

Làm đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội nhiều nhất trong 2 năm
4 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tiến độ triển khai giai đoạn 1, nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của dự án sân bay Gia Bình (Bắc Ninh).
Thủ tướng nêu rõ việc quy hoạch, xây dựng sân bay Gia Bình tầm cỡ quốc tế, cấp 4E là có cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý rất rõ. Vừa qua, các đơn vị đã khởi công giai đoạn 1.
Giờ đây, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nghiên cứu triển khai ngay giai đoạn 2 trong lúc đang xây dựng giai đoạn 1, làm luôn khi đang "sẵn nong sẵn né" để tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực, chống lãng phí.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng, phát triển trung tâm logistics tại sân bay theo hướng hiện đại, thông minh, phát triển thương mại điện tử.
Song song đó, người đứng đầu Chính phủ giao các đơn vị nghiên cứu hướng tuyến, phương án kết nối, xây dựng tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội nhanh nhất, thẳng nhất, đẹp nhất, hiệu quả nhất. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu hoàn thành tuyến đường này trong thời gian nhiều nhất là 2 năm.
Theo Thủ tướng, đây cũng là công trình có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè, đối tác quốc tế, kêu gọi đầu tư và thu hút du lịch.
Trước đó, tại lễ khởi công sân bay Gia Bình giai đoạn 1 vào tháng 12/2024, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, triển khai đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, chậm nhất trong tháng 6 tới phải có phương án về tuyến đường này.
Mô hình tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Với mục tiêu xây dựng sân bay đa năng, lưỡng dụng, có chức năng sân bay chuyên dùng tương đương cấp 4E, sân bay Gia Bình là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các công trình quốc phòng - an ninh.
Khi hoàn thành, sân bay sẽ phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân Công an nhân dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp.
Đây cũng là nơi định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng loại lớn; đồng thời vận tải hàng hóa, hành khách khi có yêu cầu và đủ điều kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là các vùng động lực tăng trưởng, Hà Nội và TP.HCM là các cực tăng trưởng của cả nước.
Khu vực Đông Nam Bộ đang xây dựng sân bay Long Thành với tiến độ rất khẩn trương, các dự án giao thông kết nối giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được thúc đẩy, qua đó giải quyết một bước quan trọng bài toán giao thông tại TP.HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Ở miền Bắc, các vùng động lực, các cực tăng trưởng nằm tại đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội hiện mới có một sân bay lớn là Nội Bài, vừa qua đã khởi công thêm nhà ga nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì vẫn quá tải. Do đó, yêu cầu đặt ra phải có thêm một sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ an ninh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giảm tải cho sân bay Nội Bài.
Diệu Thanh
Nguồn Znews : https://znews.vn/lam-duong-ket-noi-san-bay-gia-binh-voi-ha-noi-nhieu-nhat-trong-2-nam-post1533834.html