Làm gì để bảo vệ con trong 'thế giới ảo'?

Làm gì để bảo vệ con trong 'thế giới ảo'?
một ngày trướcBài gốc
Không ít cha mẹ vẫn đang loay hoay tìm cách bảo vệ con trong các mối quan hệ từ mạng xã hội (ảnh minh họa)
Bên cạnh những tích cực, mạng xã hội vẫn tràn ngập những cạm bẫy tinh vi. Đã có không ít em nhỏ nghe theo lời rủ rê của các bạn trên mạng xã hội bỏ nhà đi chơi hoặc đi kiếm “việc nhẹ, lương cao”. Trong khi đó, có nhiều cha mẹ vẫn đang loay hoay tìm cách bảo vệ con trong một thế giới số rộng lớn.
Một vụ việc gần đây tại Chí Linh là minh chứng rõ nét cho những hiểm họa từ mạng xã hội. Hồi tháng 3 vừa qua, một học sinh nữ đang học lớp 7 ở Phả Lại suýt bị bạn quen qua mạng xã hội rủ qua biên giới làm việc.
Học sinh này quen một người qua mạng quê ở Hà Giang. Hai người hẹn gặp nhau tại một địa chỉ ở Chí Linh. Buổi sáng, cháu vẫn đi học bình thường, mang theo một số tư trang nhưng bố mẹ không hỏi kỹ.
Đến chiều cùng ngày chưa thấy con về, gia đình mới tá hỏa đi tìm, nhờ các nhà dân quanh khu vực kiểm tra lại camera để nắm được hành trình của con. Qua đó, biết học sinh này hẹn gặp người bạn mới quen ở một ngôi chùa, để lại xe đạp điện và cùng nhau rời đi.
Gia đình phải lên các nhóm trên mạng xã hội nhờ tìm kiếm. Đến tối muộn cùng ngày, nhờ lực lượng chức năng, gia đình mới tìm thấy con cùng người bạn kia đang ở huyện biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Trên một số nhóm đông người tham gia trên mạng xã hội, thỉnh thoảng lại xuất hiện các dòng tin tìm con do đi lạc hoặc đi đâu đó mà bố mẹ không hay biết. Một số bạn nhỏ may mắn được lực lượng chức năng và gia đình tìm thấy, nhiều trường hợp được tìm thấy ở những địa điểm cách xa nhà.
Ở độ tuổi của mình thì các em không thể tự di chuyển đến những địa điểm đó nếu không có sự hướng dẫn từ người khác. Nếu không tìm thấy thì không rõ các bạn này sẽ được đưa tới đâu?
Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới, với hơn 72 triệu người dùng – chiếm khoảng 73% dân số. Điều đáng chú ý là khoảng 17% trong số đó thuộc nhóm tuổi thanh thiếu niên – độ tuổi dễ tổn thương và thiếu kỹ năng tự bảo vệ.
Một khảo sát của UNICEF cho thấy, phần lớn trẻ em từ 12 - 15 tuổi sử dụng internet với thời gian trung bình từ 5 đến 7 tiếng/ngày. Đây là con số đáng báo động nếu xét đến nội dung tiếp cận và cách các em sử dụng mạng.
Chúng ta không thể cấm trẻ tiếp cận mạng xã hội bởi đó là điều bất khả thi trong thời đại số. Nhưng điều có thể và cần làm là trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ và cho cha mẹ kiến thức, công cụ để đồng hành cùng con trong thế giới trực tuyến. Rất nhiều phụ huynh thừa nhận họ không biết cách kiểm soát nội dung và thời gian sử dụng mạng của con mình.
Việc phát triển thể chất và tinh thần cũng cần được đặt song song. Đó là chăm sóc dinh dưỡng, giấc ngủ, tăng cường hoạt động thể chất, trải nghiệm thực tế... Điều này sẽ giúp trẻ có đời sống cân bằng và ít phụ thuộc vào mạng xã hội.
Quan trọng hơn, cha mẹ cần thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Sự thiếu kiểm soát về thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, tư duy và hành vi.
Giải pháp không nằm ở việc cấm đoán mà cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Những buổi thảo luận về kỹ năng số, những chương trình hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp là điều rất cần thiết.
Có như vậy, mạng xã hội mới trở thành công cụ hỗ trợ phát triển thay vì là mối đe dọa với tương lai của trẻ.
TÂM PHÚC
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/lam-gi-de-bao-ve-con-trong-the-gioi-ao-412542.html