Sau sáp nhập từ năm 2019, trụ sở làm việc của xã Quang Hưng cũ (Ninh Giang) được chuyển cho Trạm Y tế xã Tân Quang nhưng hiện vẫn bỏ không
Hợp lực phát triển
Sau 5 năm thực hiện sáp nhập với xã Hùng Sơn, thị trấn Thanh Miện có quy mô diện tích và dân số lớn hơn và đang phát triển mạnh mẽ. Những năm qua, các nhiệm vụ chính trị của địa phương đều hoàn thành tốt và đạt nhiều kết quả toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của thị trấn đạt 10,8%/năm.
Theo đồng chí Vũ Văn Nguyễn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện, việc sáp nhập 2 địa phương đã tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch tiềm năng phát triển của địa phương; đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức.
Một yếu tố tích cực nữa ở thị trấn Thanh Miện là sau khi sáp nhập mỗi năm giảm từ 5 đến 6 tỷ đồng chi ngân sách thường xuyên so với 2 đơn vị hành chính trước đây. Đây là điều kiện để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
“Thực tiễn ở địa phương cho thấy sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ cải cách tiền lương”, đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện cho biết thêm.
Sau khi sáp nhập với xã Hùng Sơn, thị trấn Thanh Miện có thêm nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian phát triển
Tháng 12/2024, xã Thanh Tân (Thanh Hà) được hợp nhất từ 2 xã Thanh Thủy, Thanh Xá. Đến nay bộ máy hành chính đã được sắp xếp ổn định và vận hành tốt hơn. Việc 2 địa phương cũ tiếp tục phát huy thế mạnh, bổ trợ cho nhau giúp xã Thanh Tân có thêm các nguồn lực, điều kiện để phát triển.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân nêu dẫn chứng là trước khi sáp nhập, xã Thanh Xá mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn xã Thanh Thủy đã đạt 18/19 tiêu chí. Sau khi sáp nhập, hiện xã Thanh Tân đã đạt 16/19 tiêu chí. Việc phát huy thế mạnh trồng vải của xã Thanh Xá cũ và thế mạnh trồng chuối, chanh, quất của xã Thanh Thủy cũ giúp các sản phẩm nông sản của địa phương phong phú, đa dạng hơn. Hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản và xây dựng các sản phẩm OCOP thuận lợi hơn. “Thay vì phải đầu tư 2 chợ ở 2 xã cũ nếu không sáp nhập thì thời gian tới xã Thanh Tân sẽ tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp chợ Thanh Thủy thành chợ lớn để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương và trong khu vực”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân cho biết thêm.
Sớm giải quyết trụ sở dôi dư
Năm 2019, xã Tân Quang (Ninh Giang) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Hoàng Hanh, Tân Quang và Quang Hưng. Sau sáp nhập dôi dư 2 trụ sở làm việc của xã Tân Quang và Quang Hưng. Theo phương án, trụ sở làm việc của xã Tân Quang được chuyển cho Trường THCS Tân Quang. Còn trụ sở làm việc của xã Quang Hưng được chuyển cho Trung tâm Y tế huyện quản lý.
Thế nhưng, đến nay trụ sở xã Quang Hưng cũ với nhiều khu nhà và tổng diện tích đất 2.691 m² vẫn bỏ không. Còn trụ sở xã Tân Quang chuyển cho Trường THCS Tân Quang mới chỉ sử dụng hội trường làm phòng học bộ môn và phòng bộ phận “một cửa” làm phòng đoàn đội. Các phòng khác có diện tích quá nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn phòng học nên cũng chưa sử dụng. Cùng với đó trụ sở Trạm Y tế Tân Quang cũ với diện tích 2.468 m² cũng đang bỏ không.
Sau gần 5 tháng sáp nhập từ 2 xã Thanh Thủy, Thanh Xá, đến nay các hoạt động ở xã Thanh Tân (Thanh Hà ) đã ổn định và vận hành tốt hơn. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Thanh Tân nắm tình hình công việc ở xã qua hệ thống camera giám sát
Ông Lê Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết xã cũng đã cố gắng cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, xây dựng hoặc chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, do chưa có vốn để sửa chữa dẫn đến tình trạng để không như hiện nay. “Thời gian tới, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vấn đề xử lý, sắp xếp tài sản công, trụ sở sau sáp nhập để tránh lãng phí là mối quan tâm và mong mỏi của các địa phương và người dân ở nơi thực hiện sáp nhập”, ông Phúc chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở Tài chính vào tháng 3/2025, sau 2 lần thực hiện sáp nhâp đơn vị hành chính cấp xã trong các năm 2019 và 2024, toàn tỉnh có 58 cơ sở nhà, đất dôi dư. Theo dự kiến phương án sắp xếp trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp xã dôi dư thì có 18 cơ sở nhà, đất dôi dư giữ lại tiếp tục sử dụng, 24 cơ sở điều chuyển, 2 cơ sở chuyển giao về địa phương, 1 cơ sở tạm giữ lại tiếp tục sử dụng, thu hồi 1 cơ sở và bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4 cơ sở…
Cùng với tiến độ xử lý các trụ sở dôi dư còn chậm, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy tình trạng như ở xã Tân Quang (Ninh Giang) nói trên không phải cá biệt. Trong tỉnh vẫn còn nhiều trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập các xã, phường, thị trấn bỏ không. Nhiều trụ sở đã chuyển cho các cơ quan, đơn vị khác nhưng chỉ đang sử dụng một phần hoặc mới “gắn biển, đặt tên” mà sử dụng chưa hiệu quả.
Trụ sở làm việc của xã Tân Quang cũ (Ninh Giang) được chuyển cho Trường THCS Tân Quang nhưng hiện mới sử dụng hội trường, phòng bộ phận "một cửa". Hầu hết các phòng khác chưa sử dụng hiệu quả
Thời gian tới, khi tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ có thêm nhiều trụ sở dôi dư, nếu không sớm xử lý dễ dẫn đến lãng phí.
Cùng với sớm giải quyết hiệu quả vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ xã, thị trấn cho rằng ngay sau khi sắp xếp cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các đơn vị hành chính sau sáp nhập sớm ổn định về tổ chức và hoạt động, có nền tảng ban đầu để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó bảo đảm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân cảm thấy được ngay tác dụng, hiệu quả tích cực của việc sắp xếp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm giải quyết như việc đặt tên các đơn vị hành chính mới, giữ gìn khối đại đoàn kết giữa các địa phương cũ sau khi sáp nhập, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc của mỗi nơi, chuyển đổi giấy tờ cho người dân, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản…
Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy còn có những băn khoăn, lo lắng khi công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhưng tựu trung, cán bộ, đảng viên và người dân ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều hưởng ứng, bày tỏ đồng thuận cao, sẵn sàng góp phần thực tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG - NỘI CHÍNH