Làm gì để GDP tăng 8% trong năm 2025?

Làm gì để GDP tăng 8% trong năm 2025?
4 giờ trướcBài gốc
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025, theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%).
Thể hiện quyết tâm của Chính phủ
Tuy nhiên, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 12/2, Chính phủ đã trình Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên - cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh:QH
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% nghĩa là tăng thêm 1% so với kế hoạch trước đó thì Chính phủ cần phải có giải pháp để đảm bảo thực hiện được mức tăng trưởng này.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội vào chiều ngày 12/2, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Tôi hoan nghênh và đánh giá cao Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Điều này thể hiện đúng quyết tâm của Chính phủ ngay từ đầu năm.
Nghị quyết của Chính phủ đầu năm tăng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% tuy nhiên trong các trình bày, Thủ tướng không dùng từ “phấn đấu” mà là “bứt phá” quyết liệt”- ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cho rằng, đây là chỉ tiêu rất thách thức, nếu đạt được thì sẽ góp phàn vào thành công chung của toàn giai đoạn (2021-2025) tạo ra nền tảng vật chất và phi vật chất, và đòi hỏi Chính phủ phải có cải cách, giải pháp để đóng góp cho tăng trưởng trên 8%, điều này sẽ góp phần cho tăng trưởng những năm tiếp theo.
Tôi mong muốn sắp tới Chính phủ cần thể hiện rõ hơn các giải pháp mới để có thể tăng trưởng thêm 1%, những giải pháp mới đó phải chưa có trong Nghị quyết hoặc đã có nhưng Chính phủ thay đổi”- ông Hiếu chia sẻ.
Cần có giải pháp tổng thể mang tính "kích thích"
Theo quan điểm cá nhân của ông Phan Đức Hiếu, để tăng trưởng, các nước sẽ có gói kích thích chính sách.“Chính phủ nên suy nghĩ đến một giải pháp tổng thể mang tính chất "kích thích" nhằm thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ và sản xuất kinh doanh như: Chính sách về thuế trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hướng đến thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh”- ông Hiếu nhấn mạnh.
Ôông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Thu Hường
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, để thúc đẩy tiêu dùng thì phải tăng thu nhập, tăng tích lũy và như vậy cần sửa luật thuế thu nhập cá nhân để người dân có thêm tích lũy.
Đồng thời, cần rà soát các chính sách thuế, nếu chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh này thì không nên tăng bất kể một khoản thuế nào. Bởi nó sẽ làm giảm tiêu dùng do chi phí sản xuất, giá thành sẽ tăng do tăng thuế và giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp.
Những chính sách về điều chỉnh tăng thuế nếu đã thông qua thì kéo dài hơn lộ trình áp dụng nhất là tại Kỳ họp thứ 5 chúng ta đã thông qua một loạt các loại thuế, mong Chính phủ sẽ giãn thời gian thực hiện đến năm 2027 hoặc 2028”- ông Hiếu góp ý.
Tiếp theo rà soát các chính sách thuế, phí và lệ phí và phải có biện pháp miễn giảm phù hợp; nhanh chóng khẩn trương rà soát các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp làm cho đồng vốn đầu tư không hiệu quả..
Ông Hiếu lấy ví dụ quy định ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu về giấy. Theo Khoản 2 Điều 46 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tùy theo khối lượng nhập khẩu mà doanh nghiệp phải ký quỹ từ 15-20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp kêu về quy định này bởi giờ đây “giấy phế liệu” là nguyên vật liệu quý hiếm cho sản xuất trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt
Trong suốt thời gian qua chưa một doanh nghiệp nào phải dùng đến quỹ đó nhưng doanh nghiệp phải đóng vào quỹ với số tiền rất lớn. Vậy tại sao chúng ta không sửa đổi hoặc giảm mức ký quỹ hoặc quản lý theo hướng rủi ro. Trong khi doanh nghiệp cần vốn. Cùng với đó, chúng ta phải giải quyết nhanh hoàn thuế cho doanh nhiệp, có như vậy mới tạo động lực cho doanh nghiệp.
Để đóng góp thêm 1% tăng trưởng, các địa phương phải vào cuộc và rà soát tất cả các dự án dở dang, tìm ngay ra các vướng mắc pháp lý và giải quyết kịp thời. Đây là nội dung có thể đóng góp ngay cho tăng trưởng thay vì ta đi thu hút đầu tư từ đầu, một dự án trong 1 năm không thể xong được. Tháo gỡ vướng mắc của các dự án càng sớm, càng tốt và các địa phương phải hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu khẳng định và nhấn mạnh, Chính phủ, địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm rồi, thì quyết tâm đó phải thể hiện bằng các hành động cụ thể, giải quyết khó khăn thực tiễn doanh nghiệp đang gặp, để thực sự hiệu quả hơn.
Ông Phan Đức Hiếu: Doanh nghiệp cho biết, họ chỉ cần hỗ trợ về thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đã là sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, sự quay vòng và hiệu quả của dòng vốn tăng thì mới tạo ra tăng trưởng.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/lam-gi-de-gdp-tang-8-trong-nam-2025-373539.html