Làm gì để hoàn thành điện hạt nhân trong 5 năm?

Làm gì để hoàn thành điện hạt nhân trong 5 năm?
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2030 sẽ có nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động
Việt Nam đang khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng nhằm giúp đa dạng nguồn cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm triển khai, có lộ trình công việc cụ thể hàng năm. Việc này nhằm mục tiêu tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân.
Việt Nam đặt mục tiêu có nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030.
TS Nguyễn Quy Hoạch, Hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Đảng và Chính phủ đã quyết định chủ trương khởi động lại chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN). Cụ thể là thực hiện các bước cho triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đây là yếu tố thuận lợi cốt lõi, quan trọng tới sự thành công của dự án.
Việc chọn địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta rất quan trọng và phải mất khá nhiều thời gian lựa chọn, khảo sát điều kiện tự nhiên (điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn) và phải tính toán kỹ lưỡng. Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ nên chúng ta rút ngắn được thời gian khi triển khai điện hạt nhân trong thời gian tới.
Tuy nhiên, TS Hoạch cho rằng cần lưu ý, khi quay trở lại tiếp tục triển khai các dự án ĐHN Ninh Thuận, chủ đầu tư sẽ phải khảo sát đo đạc bổ sung một số thông số liên quan địa điểm, cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ đánh giá địa điểm, báo cáo khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư xây dựng theo quy định. Việc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân và môi trường sẵn sàng hạ tầng pháp lý, cũng như nguồn lực tiến hành thẩm định hay không sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ của quá trình này.
Một vấn đề nữa mất rất nhiều thời gian chuẩn bị là đào tạo nhân lực. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (lập năm 2015), mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cần khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 500 người yêu cầu tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư trở lên, chiếm 40% đội ngũ vận hành.
Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga. Đã thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài (3 tháng) cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và cử 32 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản. Đây là lực lượng nhân sự nòng cốt và rất quý giá để tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ đã được đào tạo này đang làm việc ở các lĩnh vực khác nên cần phải đào tạo lại.
Những thách thức đặt ra để xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Theo chuyên gia, ,tham khảo mức vốn đầu tư của điện hạt nhân với công nghệ thế hệ III và III+ được tổng hợp từ nhiều quốc gia, trong đó trung bình ở Mỹ, châu Âu là khoảng 6 triệu USD/MW, con số này ở Trung Quốc, Ấn Độ là 2,7 triệu USD và ở Nga, Hàn Quốc khoảng 3,0-3,5 triệu USD đầu tư trong nước.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (năm 2015), trung bình suất đầu tư danh nghĩa cho ĐHN loại lò AES2006/V491 (Nga) cho Ninh Thuận 1 và AP 1000 Westinghouse (Mỹ) cho Ninh Thuận 2 là 5,06 triệu USD/MW. Đến nay tổng mức đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như quy mô công suất, yêu cầu công nghệ và đòi hỏi về các yếu tố an toàn.
Nếu chúng ta vẫn chọn quy mô công suất 2x1.000 MW cho dự án điện hạt nhân đầu tiên, theo "Cẩm nang công nghệ sản xuất điện Việt Nam 2023" , giai đoạn đến năm 2030, tổng mức đầu tư cho dự án có quy mô 2.000 MW (chưa bao gồm chi phí quản lý, tư vấn, chuẩn bị mặt bằng, thuế, lãi vay trong quá trình thi công) ước khoảng 9,6 tỷ USD tương đương 240 nghìn tỷ đồng.
Theo kinh nghiệm quốc tế, thời gian thi công nhà máy điện hạt nhân khoảng 6 năm. Đối với các nước đã làm chủ công nghệ điện hạt nhân, thời gian xây dựng công trình từ 6-7 năm là khá thông thường, trong khi một số nước bị kéo dài thời gian do thủ tục và quản lý xây dựng chưa tốt đã gây đội vốn rất lớn, thậm chí phải hủy dự án. Ví dụ tại Trung Quốc, với khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa tới trên 70% các thành phần của điện hạt nhân, một số dự án gần đây đã hoàn thành xây dựng trong 5-6 năm.
Trong giai đoạn đầu của dự án, bên cạnh việc tận dụng nguồn lực hạn chế trong nước, việc tham gia của tư vấn nước ngoài là bắt buộc để chúng ta có thể bổ sung khuyết thiếu, cũng như giúp các cán bộ của Việt Nam được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần triển khai ngay một chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý vận hành an toàn, hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án điện hạt nhân.
Đào tạo đội ngũ chuyên gia về công nghệ và an toàn hạt nhân để có đủ năng lực dự báo/phòng ngừa, xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn (nếu có xảy ra) đòi hỏi thời gian dài với một kế hoạch đào tạo bài bản, từng bước. Đội ngũ chuyên gia về điện hạt nhân là thiết yếu và vô cùng quan trọng để có thể vận hành an toàn, cũng như kinh tế các nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài số lượng kỹ sư đã được đào tạo trước đây, cần tiếp tục đào tạo thêm các kỹ sư về điện hạt nhân. Nếu đến năm 2030 sẽ hoàn thành công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như yêu cầu của Chính phủ, thì lúc đó các kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân cũng cần tốt nghiệp, ra trường để bổ sung vào lực lượng vận hành.
Việc chúng ta xây dựng thành công dự án điện hạt nhân đầu tiên, song song với tuân thủ đầy đủ các quy định, cũng như nhiệm vụ theo thông lệ quốc tế về xây dựng cơ sở hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân) sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và lập thêm "mốc son mới" cho Việt Nam.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-de-hoan-thanh-dien-hat-nhan-trong-5-nam-169250116103110335.htm