Đội Quản lý thị trường số 4 Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên vừa phạt vi phạm hành chính bà Ngô Thị Kiều Mỹ Trang, chủ quán cơm Tân Mai ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên tổng cộng 8,25 triệu đồng.
Bà Trang bị phạt sau khi một du khách lên mạng xã hội tố quán cơm Tân Mai "chặt chém" 1.010.000 đồng cho bữa ăn chỉ hai tô cơm, hai đĩa trứng chiên, một tô canh rau mồng tơi thịt, một đĩa rau muống, một đĩa mực xào.
Liên tiếp các vụ tố bị "chặt chém"
Mới đây, UBND TP Nha Trang cũng lập đoàn kiểm tra nhà hàng Aroma Beach trên đường Nguyễn Thiện Thuật, để xác minh thông tin cơ sở này “chặt chém”.
Hóa đơn tính tiền có giá trên trời của nhà hàng Aroma Beach. Ảnh: XUÂN HOÁT chụp lại.
Đoàn liên ngành TP Nha Trang phát hiện hàng loạt vi phạm của nhà hàng Aroma Beach, trong đó có việc không niêm yết giá, bán cao hơn giá niêm yết.
Trước đó, giữa năm 2024, UBND TP Nha Trang cũng phạt hành chính ông Hoàng Văn Sáu, chủ quán hải sản Thanh Sương, ở địa chỉ 100 đường Trần Phú, TP Nha Trang, gần 21 triệu đồng.
Ông Sáu bị phạt sau khi một du khách tố được một người đạp xích lô giới thiệu và chở đến quán hải sản “ngon, bổ, rẻ” để ăn tối. Tuy nhiên, khi đến nơi, vị du khách phát hiện không phải địa chỉ đã yêu cầu, nhưng tên quán vẫn là Thanh Sương.
Theo du khách này, anh không hài lòng chất lượng các món ăn, giá cao, nhưng vì lỡ ăn nên chấp nhận thanh toán.
Quán hải sản 102 Trần Phú bị xử phạt sau khi du khách lên Facebook viết bài tố. Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Hai tháng trước, một quán hải sản có tên Thanh Sương ở địa chỉ 102 Trần Phú, TP Nha Trang cũng bị khách tố “chặt chém” với phương thức tương tự.
Một điểm chung của những trường hợp bị “phốt” hoặc bị phạt nêu trên là du khách cho rằng mình bị “chặt chém”. Hầu hết những trường hợp này đều phản ánh trên xã hội trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý.
Ít phản ánh qua đường dây nóng
Có một thực tế, nhiều người rơi vào tình trạng bị động mỗi khi đi du lịch gặp các trường hợp bị "chặt chém" như trên. Điều này, vô hình trung du khách trở thành “con mồi” khi đến các điểm vui chơi, ăn uống. Rất ít người chủ động trang bị cho mình một kỹ năng mềm để không bị "chặt chém" mỗi khi đi du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa, từ năm 2013, tỉnh này đã thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Dù đi vào hoạt động hơn 10 năm, nhưng đường dây nóng của đơn vị này nhận được rất ít phản ánh của du khách, đặc biệt liên quan vấn đề chất lượng dịch vụ hay “chặt chém”.
Mã QR quảng bá du lịch và thông tin đường dây nóng do UBND TP Nha Trang tạo lập. Ảnh: XUÂN HOÁT
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa, trung tâm hỗ trợ khách du lịch thường xuyên có người trực 24/24 giờ, với hai số điện thoại. Tuy nhiên, thay vì gọi cho trung tâm thì du khách thường phản ánh qua mạng xã hội, việc này khiến đơn vị rất khó xử lý kịp thời.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, du khách nếu có bất cứ bức xúc gì về chất lượng du lịch có thể phản ánh qua đường dây nóng *2258 hoặc số 0947.528.000 của Sở Du lịch hoặc số 02583.822.072 của Sở Tài chính. Lực lượng chức năng sẽ có mặt sau 15 phút để xử lý.
Tuy nhiên, một số khách phản ánh khi gọi vào đường dây nóng nhưng không nhận được sự giúp đỡ do không ai nghe máy. Theo bà Thanh, khi gọi đến đường dây nóng du khách phải làm theo hướng dẫn.
“Nhiều du khách không kiên nhẫn hoặc làm chưa đúng các hướng dẫn sẽ không gặp được nhân viên. Điều này dẫn đến việc một số du khách gọi đường dây nóng nhưng không ai trả lời”- bà Thanh giải thích.
Cần trang bị gì khi đi du lịch?
Theo chủ một quán hải sản ở Nha Trang, để tránh bị “chặt chém” khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, khách nên xem thực đơn, giá tiền niêm yết cụ thể trước.
"Với những nơi không ghi hoặc ghi giá mập mờ, khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ nhà hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều. Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình 'lập lờ đánh lận con đen' sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước hoặc ghi dòng ‘theo thời giá’. Khi khách hỏi lúc đó quán mới nói giá, còn không hỏi rất dễ rơi vô trường hợp bị 'chặt chém'"- ông Quân chia sẻ.
Còn chị Đặng Như Thương, một hướng dẫn viên du lịch, cho rằng kinh doanh thì ở bất cứ đâu cũng có tốt, xấu. “Khi đi du lịch du khách cần nên trang báo uy tín, mạng xã hội, diễn đàn du lịch tham khảo những nhà hàng, quán ăn tại nơi sắp đến để loại trừ những cơ sở từng vướng tai tiếng 'chặt chém' để tránh, đồng thời chọn sẵn một vài điểm uy tín được cộng đồng mạng đánh giá cao”- chị Thương nói.
Trung tâm hỗ trợ khách du lịch trên đường Trần Phú, TP Nha Trang. Ảnh: XUÂN HOÁT
Nhiều chuyên gia ngành du lịch, dịch vụ cho rằng muốn ngăn chặn tình trạng quán ăn, nhà hàng “chặt chém” du khách phải có chế tài mạnh, đủ răn đe đối với những hành vi nâng giá dịch vụ, kinh doanh chụp giựt.
Ông Nguyễn Văn Thành, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng những hình ảnh, thông tin về nạn “chặt chém” du khách là nỗi xấu hổ không riêng gì của địa phương nào.
“Dù là số ít nhưng mức độ lan tỏa sẽ rất lớn khi nhận tương tác trên các trang mạng xã hội. Xây dựng được hình ảnh du lịch của một địa phương rất khó, rất lâu, nên chính quyền cần mạnh tay xử lý để những ‘con sâu làm rầu nồi canh’”- ông Thành nói.
Xuân Hoát