Làm gì để nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở vựa muối lớn nhất Hà Tĩnh?

Làm gì để nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở vựa muối lớn nhất Hà Tĩnh?
2 giờ trướcBài gốc
Xã Kỳ Hà từng được xem là vựa muối lớn nhất tỉnh nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên nghề làm muối ở đây dần bị mai một. Theo phản ánh của diêm dân, cách đây hơn 10 năm, với 73 ha diện tích sản xuất muối, toàn xã có khoảng 1.000 hộ sản xuất, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 10.000 tấn muối, đảm bảo sinh kế và thu nhập cho gần 3.000 lao động tại chỗ. Thế nhưng, đến nay chỉ còn khoảng 80 hộ theo nghề muối, bình quân mỗi hộ khoảng 2 - 3 sào, sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn.
Đồng muối rộng 73 ha của xã Kỳ Hà sản xuất không hiệu quả, làm manh mún, nhiều diện tích bỏ hoang.
Ông Dương Văn Thiệu (61 tuổi, ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 sào đất muối nhưng đã hơn 8 năm nay không sản xuất. Các thành viên trong gia đình vào miền Nam mưu sinh hoặc đi làm thợ nề kiếm sống. Hạt muối khó tiêu thụ, thị trường bấp bênh, giá thấp nên chẳng thể sống được với nghề của ông cha. Để tránh đất đai hoang hóa, tôi mong muốn các cấp, ngành nghiên cứu, xem xét chuyển đổi để cho giá trị sản xuất cao hơn”.
Cũng theo ông Thiệu, hiện nay, đại đa số diêm dân ở thôn Nam Hà đều không còn sản xuất muối vì các lý do tương tự. Nhiều năm qua, bà con đã có ý kiến đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện được. Thời gian tới, trường hợp Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng để phát triển sản xuất thì bà con sẵn sàng đồng tình, nhất là thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư nuôi trồng thủy sản theo quy mô hiện đại hoặc phát triển thương mại, dịch vụ.
Nhiều diện tích đất muối của thôn Bắc Hà bỏ hoang, xuống cấp, làm bãi chăn thả trâu bò.
Thôn Bắc Hà (xã Kỳ Hà) hiện có 31 ha đất muối nhưng đại đa số cũng đang bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Theo nhẩm tính của diêm dân, một sào nại tốt, mỗi năm sản xuất từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 9 cho tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Trừ chi phí sửa chữa ô nại, mua sắm dụng cụ sản xuất, bình quân thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, từ chỗ có hàng trăm hộ sản xuất muối nhưng đến năm 2023, thôn Bắc Hà chỉ còn 60 hộ và năm 2024 là 33 hộ sản xuất nhỏ lẻ từ 1 – 2 sào/hộ.
Năm 2024, những ô nại này vẫn được diêm dân thôn Bắc Hà sản xuất nhưng manh mún, nhỏ lẻ, không hiệu quả.
Ông Mai Xuân Hồ - Trưởng thôn Bắc Hà chia sẻ: “Đồng muối sản xuất không hiệu quả, nhiều diện tích bỏ hoang trên 10 năm, số hộ làm nghề ngày một ít khiến chúng tôi trăn trở. Để sử dụng quỹ đất hiệu quả, chúng tôi mong muốn cấp trên kiểm tra, đánh giá, quy hoạch lại một vùng tốt nhất để bà con tiếp tục làm nghề truyền thống, các lao động lớn tuổi có thêm việc làm tại chỗ. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất muối sạch, đảm bảo đầu ra để diêm dân yên tâm sản xuất”.
Nhiều ô nại xuống cấp, hư hỏng.
Cũng theo ông Mai Xuân Hồ, đối với một phần đất muối bỏ hoang lâu năm, Nhà nước cần xem xét để quy hoạch đất ở cho người dân trong vùng vì hiện nay, nhu cầu đất ở rất lớn. Việc chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ, nông hộ là không nên vì chi phí đầu tư lớn, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, rủi ro cao mà nên ưu tiên cho các doanh nghiệp có thế mạnh, nguồn lực lớn để nuôi trồng theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sử dụng đất.
Trước thực trạng đồng muối bỏ hoang, sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng xuống cấp, người dân và cử tri xã Kỳ Hà đã nhiều lần đề xuất nguyện vọng muốn quy hoạch lại đồng muối để sản xuất muối sạch và chuyển đổi một số diện tích sang nuôi trồng thủy sản mặn lợ, làm đất ở, đất thương mại, dịch vụ.... Cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Hà cũng đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên, chủ động vào cuộc thực hiện các phần việc thuộc thẩm quyền để sớm chấm dứt tình trạng này nhưng kết quả chưa như mong đợi.
Hệ thống cống lấy nước và mương dẫn nước bị tắc nghẽn, hư hỏng, sụt lún...
Ông Nguyễn Tiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: "Chúng tôi đã tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất muối để có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn. Theo đó, xã đã xây dựng phương án quy hoạch lại khoảng 35 – 40 ha để các hộ có nhu cầu tiếp tục nghề truyền thống theo quy trình sản xuất muối sạch. Tuy nhiên vướng kinh phí đầu tư hạ tầng, đầu ra cho sản phẩm nên chúng tôi chưa thể triển khai.
Đối với diện tích đất muối bỏ hoang, chúng tôi cũng đã quy hoạch 20 ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản mặn lợ (đã được Sở NN&PTNT về kiểm tra, khảo sát, cơ bản đồng tình) và 8 ha sang đất ở. Việc chuyển đổi sang đất ở đang vướng quy hoạch sử dụng đất, phải chờ đến năm 2025 mới có thể điều chỉnh theo quy hoạch chung của thị xã. Đối với đất nuôi trồng thủy sản, địa phương cũng đang xem nguồn kinh phí đầu tư, phương án thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xem xét các hộ có nhu cầu nuôi trồng…”.
Video: Nhiều diện tích muối ở xã Kỳ Hà bị bỏ hoang nên cần quy hoạch lại và chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tiến Dũng - Giang Nam
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/lam-gi-de-nang-cao-hieu-qua-su-dung-dat-o-vua-muoi-lon-nhat-ha-tinh-post275952.html