Làm gì để sầu riêng thơm ngon: Kinh nghiệm từ nhà vườn

Làm gì để sầu riêng thơm ngon: Kinh nghiệm từ nhà vườn
9 giờ trướcBài gốc
Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện giám sát chặt chẽ sản phẩm sầu riêng xuất khẩu.
Nỗi lo thời tiết bất thuận
Trong những ngày đầu tháng Bảy, nông dân các địa phương tỉnh Lâm Đồng đang hối hả bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn lo lắng vì thời điểm này, trên địa bàn đang bước vào cao điểm của mùa mưa, khiến nhiều vườn sầu riêng có nguy cơ bị sượng cơm, sượng nước, ảnh hưởng đến giá bán của nông dân. Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, các đơn vị sản xuất, thu mua và nông dân đã có nhiều biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng sầu riêng.
Gia đình ông Đoàn Văn Thanh ở xã Quảng Tín có hơn 14 ha sầu riêng kinh doanh. Trước đây, quá trình canh tác sầu riêng, ông Thanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Việc thiết kế vườn, khoảng cách trồng, mương thoát nước, phòng ngừa sinh vật gây hại đều chưa được bảo đảm. Theo ông Thanh, những năm trước đây, đa số nhà vườn đào hố sâu để trồng sầu riêng. Không đâu xa, ngay tại vườn của gia đình, khi biết thì đã muộn. Chính những hố trồng sâu đã biến thành vũng nước sau mưa, làm cho cây hút quá nhiều nước, từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng trái. “Khi cây đang nuôi trái, nếu không kiểm soát được nước mưa, cơm trái sẽ bị nhão, sượng. Đó là bài học xương máu từ những năm trước”, ông Thanh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Thanh, khi vườn cây nuôi trái khoảng 110 ngày, nếu cây phát triển đọt non nhiều, nhà vườn cần tiến hành chặn đọt để cây nuôi trái. Nhất là ở giai đoạn vô cơm, nếu không chặn đọt rất dễ xảy ra trường hợp cơm chát, múi không vàng.
Theo ông Phạm Tấn Minh - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, bên cạnh tác động của thời tiết, quá trình chăm bón cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trái sầu riêng. Việc cải thiện sức khỏe cây trồng thông qua cung cấp Kali sunphat và điều chỉnh lượng đạm sẽ giúp trái phát triển ổn định, đồng đều, tránh được tình trạng sượng cơm.
Ông Nguyễn Đức - chủ một cơ sở thu mua sầu riêng tại xã Quảng Khê cho biết, hàng năm tại địa phương, tỷ lệ sầu riêng không đạt chất lượng rất cao, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết. Việc thu mua “hàng dạt” của cơ sở không chỉ thiệt hại cho nông dân mà còn kéo theo giá trị sản phẩm giảm sút. “Mỗi ngày, tôi đặt hàng mua theo container sầu riêng loại “hàng dạt”, chưa kể các nhà vườn chở đến từ 5 - 10 tạ để bán. Mức giá thu mua dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Giá mua này thấp hơn khá nhiều so với sầu riêng đạt chất lượng, mẫu mã đẹp”, ông Đức cho hay.
Khắc phục sầu riêng sượng cơm
Ông Phạm Tấn Minh - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khuyến cáo, để phòng ngừa sầu riêng bị sượng cơm, bà con cần quản lý tốt dinh dưỡng, nước và thời điểm thu hoạch hợp lý. Bón phân cân đối, bảo đảm thoát nước tốt và thu hoạch đúng thời điểm để tăng hiệu quả mùa vụ. Bước tiếp theo là chăm sóc đất và dinh dưỡng. Đất trồng sầu riêng phải tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Việc bón phân hữu cơ kết hợp phân hóa học theo đúng liều lượng và thời điểm giúp cây phát triển khỏe mạnh, cho trái đồng đều và chất lượng tốt.
Theo PGS.TS. Trần Văn Hâu, người nhiều năm gắn bó với cây sầu riêng Lâm Đồng, việc giới hạn sự ra đọt non và kích thích ra hoa đồng loạt bằng cách phun các loại phân bón chuyên dụng lên lá sẽ rất hiệu quả. Không chỉ giảm cạnh tranh dinh dưỡng, mà còn giúp trái chín đồng đều, mang lại hương vị đặc trưng cho sầu riêng địa phương. “Quản lý độ ẩm và tạo không khí thông thoáng trong vườn là tất cả bí quyết để có sầu riêng chất lượng. Bằng cách bón phân đúng cách và bổ sung trung vi lượng, nhà vườn có thể hạn chế tình trạng cháy múi, đem đến kết quả tốt nhất cho mùa vụ”, PGS.TS. Hâu khẳng định.
Hiện nay, tỉnh Lâm Ðồng có trên 42.000 ha sầu riêng, diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 20.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 334 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng với 12.966,7 ha và 57 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Văn Tâm
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/lam-gi-de-sau-rieng-thom-ngon-kinh-nghiem-tu-nha-vuon-383878.html