Làm gì để trẻ an toàn khi sống cùng cha dượng, mẹ kế?

Làm gì để trẻ an toàn khi sống cùng cha dượng, mẹ kế?
7 ngày trướcBài gốc
Những vụ việc đau lòng
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 27/3/2025, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang nhận được báo cáo từ Công an phường Long Thạnh (thị xã Tân Châu) về vụ việc cháu K. (5 tuổi) tử vong bất thường. Thời điểm trên, gia đình đã mang thi thể cháu bé đi mai táng.
Trong một diễn biến khác của vụ việc, Công an phường Long Thạnh đã nhận được đơn yêu cầu khai quật tử thi từ cha ruột của cháu K. để làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu. Người đàn ông nghi ngờ cái chết của con có nhiều uẩn khúc; nghi vấn cháu bé bị người tình của mẹ cháu sát hại.
Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan công an đã tiến hành khai quật tử thi cháu bé để điều tra, xác minh làm rõ. Kết luận nguyên nhân khiến cháu K. tử vong là do sốc mất máu cấp do vỡ gan, vỡ lá lách.
Qua công tác điều tra, lực lượng công an xác định Lê Văn Trường (34 tuổi, ngụ khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - người chung sống như vợ chồng với mẹ của cháu K.) là đối tượng trực tiếp gây ra cái chết của cháu K.
Cụ thể, N.T.T.N. (31 tuổi, ngụ phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - mẹ ruột cháu K.) chung sống như vợ chồng với Lê Văn Trường. Cả hai thuê phòng trọ sinh sống tại tỉnh Bình Dương.
Đến giáp Tết 2025, Trường đưa N. cùng cháu K. và A. về nhà sống cùng với gia đình tại thị xã Tân Châu. Thời gian gần đây, Trường bực tức việc cháu K. không nghe lời, hay đòi hỏi nhiều thứ nên đối tượng đã nhiều lần đánh cháu K.
Đỉnh điểm là vào khoảng 16h ngày 23/3/2025, khi đi làm về, thấy cháu K. đòi Trường chở đi tìm mẹ, Trường đã bực tức lôi cháu K. vào phòng ngủ rồi dùng tay đánh mạnh nhiều cái vào vùng bụng và người cháu K. Mấy ngày sau, cháu K. bị nóng sốt nhưng gia đình không đưa đi bệnh viện vì cho rằng cháu K. bị sốt thông thường.
Cơ quan công an bắt giữ đối tượng Lê Văn Trường - kẻ có hành vi bạo hành khiến con riêng của người tình tử vong.
Đến sáng 26/3/2025, thấy cháu K. có biểu hiện mệt mỏi nhưng Trường vẫn chở cháu bé đến nhà trẻ. Trên đường đi, cháu K. bất ngờ ngất xỉu nên Trường chở đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu để cấp cứu, được khoảng 20 phút thì cháu bé tử vong.
Mới đây nhất, câu chuyện đau lòng của cháu N.T.H.L. (8 tuổi) cũng giống trong hoàn cảnh với cháu K. Cháu L. có cha dượng là Hồ Trần Minh Có (30 tuổi, trú tại khóm Vĩnh Phú, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Vào tối 28/3/2025, sau khi uống rượu về, thấy cháu L. đang ngậm ngón tay nên Có dùng một thanh gỗ đánh 4 cái vào vùng mông của cháu bé gây thương tích và 1 cái vào vùng thái dương khiến cháu L. gục xuống đất.
Sau đó, Có và N.T.H.N. (27 tuổi, mẹ đẻ cháu L.) đưa cháu L. đi tắm và thay đồ đi ngủ. Đến khoảng 20h ngày 29/3/2025, Có đi uống rượu về thì thấy N. và cháu L. đang ngủ trong mùng. Có chui vào mùng dùng 2 tay bế cháu L. rồi tung lên cho rớt xuống nệm mỏng trải trên sàn nhà làm cháu L. bất tỉnh.
Lúc này, Có truy hô rồi cùng mọi người đưa cháu L. đến Bệnh viện Châu Phú cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang (khu vực Châu Đốc) cấp cứu. Cháu L. tử vong sau đó 2 ngày.
Trước đó, vào năm 2022, dư luận cả nước từng "dậy sóng" trước thông tin bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhiều lần bị người tình của mẹ là Nguyễn Trung Huyên (33 tuổi, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) hành hạ dẫn đến tử vong. Hay như sự việc cháu N.T.V.A. (8 tuổi) bị người tình của bố đẻ bạo hành dã man dẫn tới tử vong cũng gây làn sóng phẫn nộ.
Trẻ em dễ thành nạn nhân của bạo hành sau khi gia đình tan vỡ
Những vụ án mạng đau lòng như trên đặt ra câu hỏi, tại sao trẻ em lại trở thành nạn nhân của bạo hành sau khi gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn? Và giải pháp nào để bảo vệ trẻ em? Chia sẻ với Báo PNVN, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, cho rằng, luôn luôn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em khi sống chung với "người dưng" - không cùng huyết thống?
Phân tích sâu thêm cho nhận định trên, ông Hiếu cho rằng trong cấu trúc truyền thống của gia đình Việt Nam, mối liên kết giữa cha mẹ và con cái được xây dựng không chỉ trên nền tảng pháp lý mà còn trên sự gắn bó huyết thống, tình cảm thiêng liêng và bản năng bảo bọc. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ sống chung với người bạn đời mới của cha hoặc mẹ – tức là "cha dượng", "mẹ kế", thì mối quan hệ ấy mang tính "ngoại sinh", thiếu nền tảng tự nhiên của huyết thống.
Từ góc nhìn tâm lý học hành vi, có thể nói rằng nhóm đối tượng không có mối quan hệ máu mủ với trẻ thường có chỉ số đồng cảm thấp hơn trong các xung đột. Khi mối quan hệ tình cảm giữa cặp đôi gặp trục trặc thì đứa trẻ – vốn là kết quả của mối quan hệ trước dễ trở thành nơi trút giận, hiện thân của quá khứ không mong muốn. Những yếu tố như ghen tuông, bất mãn, stress kinh tế, cộng với thiếu kỹ năng làm cha mẹ kế, có thể biến những cá nhân vốn không có tiền sử bạo lực trở thành thủ phạm của những vụ bạo hành tàn khốc.
"Đáng nói, trẻ em là nhóm nạn nhân đặc biệt dễ bị tổn thương, chúng lệ thuộc vào người lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, khả năng tự vệ hầu như bằng không. Sự ngược đãi trong môi trường sống khép kín, lại thiếu các cơ chế phát hiện sớm, khiến bi kịch thường chỉ lộ diện khi hậu quả đã vượt qua ngưỡng cứu vãn, như những vụ việc đau lòng từng xảy ra", ông Hiếu nhấn mạnh.
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học. Ảnh: Hải Nam.
Khi quyền nuôi con trở thành "chiến lợi phẩm"
Vị chuyên gia Tội phạm học thẳng thắn nhìn nhận, có một nghịch lý cay đắng thường xuyên xuất hiện sau ly hôn, đó là: quyền nuôi con bị biến thành "vật thể chiến lược" trong cuộc chiến giữa hai người lớn.
"Trong khi về nguyên tắc, quyền nuôi con phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ (nguyên tắc best interests of the child trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em), thì trong thực tế, nhiều trường hợp lại cho thấy động cơ nuôi con là để trả đũa, giành phần thắng, hay đơn giản là để "không cho đối phương có được con", ông Hiếu chia sẻ.
Hành vi này, theo ông Hiếu, về bản chất đã tước đoạt quyền được sống trong môi trường cảm xúc tích cực của trẻ, biến các em thành "con tin tình cảm" trong một cuộc chiến mà các em không hề lựa chọn. Việc giành quyền nuôi con trong một số vụ án không còn mang tính chất chăm sóc mà đã bị "chính trị" hóa đời sống riêng tư – nơi người thắng được "ghi điểm đạo đức" hoặc "hạ bệ danh dự" người kia.
Từ góc nhìn xã hội học pháp lý, vị chuyên gia đánh giá đây là biểu hiện của sự thất bại trong điều tiết cảm xúc hậu ly hôn, cũng như thiếu cơ chế giám sát hậu xét xử. Sau khi tòa tuyên án, ít có cơ quan nào thực hiện vai trò kiểm tra thực tế rằng: trẻ đang sống trong môi trường như thế nào? Có bị xâm hại, bỏ bê không? Bạn đời mới của cha/mẹ có phù hợp không?
"Câu chuyện trở nên thê thảm hơn khi quyền nuôi con được giành giật bằng mọi giá, nhưng sau đó đứa trẻ bị bỏ mặc, hoặc sống trong một gia đình tái hôn đầy xung đột, tiềm ẩn bạo lực. Những "chiến thắng pháp lý" đó, xét đến cùng, lại chính là khởi nguồn của những bi kịch đời sống", ông Hiếu nhấn mạnh.
Tăng giám sát việc nuôi dưỡng trẻ sau ly hôn
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Hiếu cho rằng, nước ta đang thiếu một hành lang pháp lý hiệu quả để giám sát việc nuôi dưỡng trẻ sau ly hôn - đặc biệt khi người trực tiếp nuôi con đưa trẻ về sống chung với bạn đời mới. Không có quy trình đánh giá bắt buộc nào về năng lực làm cha mẹ kế, càng không có hệ thống giám sát độc lập để đảm bảo quyền lợi trẻ em được thực thi thực chất chứ không chỉ trên giấy tờ. Chính khoảng trống này đang tạo nên kẽ hở chết người - nơi những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện tình cảm của người lớn.
Từ những phân tích trên, ông Hiếu cho rằng Nhà nước cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong việc giám sát hậu ly hôn, đặc biệt là khi trẻ sống cùng người không cùng huyết thống.
Bên cạnh đó là yêu cầu cần có đào tạo và tư vấn bắt buộc dành cho người muốn tái hôn và nuôi dưỡng trẻ không phải con ruột, để chuẩn bị kỹ về tâm lý và trách nhiệm.
Song hành với đó là việc phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, để người dân - đặc biệt là giáo viên, tổ trưởng dân phố - có thể phát hiện và can thiệp kịp thời. "Đáng chú ý, truyền thông, báo chí cần đóng vai trò phản biện chính sách và nâng cao nhận thức xã hội, để việc làm cha mẹ - dù là cha mẹ ruột hay cha mẹ kế - không còn là bản năng, mà là một trách nhiệm được soi chiếu dưới lăng kính đạo đức và pháp luật", ông Hiếu bày tỏ.
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/lam-gi-de-tre-an-toan-khi-song-cung-cha-duong-me-ke-20250411210955973.htm