1. Đặt ra ranh giới lành mạnh: Sự bất đồng là điều không thể tránh khỏi giữa cha mẹ và con cái, nhất là khi trẻ đang dậy thì. Tuy nhiên, việc thiết lập các ranh giới lành mạnh, được cả hai bên đồng ý, có thể tạo ra môi trường tôn trọng cho cha mẹ và con. Phụ huynh có thể áp dụng các cách như: Tổ chức họp gia đình và con được phép thảo luận khi thiết lập các ranh giới; tránh đặt quá nhiều quy tắc cùng một lúc; đảm bảo trẻ hiểu rõ và yêu cầu con tuân theo; khen ngợi khi con tôn trọng ranh giới... Ảnh: Freepik.
2. Điều chỉnh phương pháp nuôi dạy con: Cách bạn tương tác với con, hay nói cách khác, phong cách nuôi dạy của bạn, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Có ba kiểu nuôi dạy chính là quyền lực, cho phép và không quan tâm. Trong đó, phong cách nuôi dạy quyền lực thường được đánh giá cao. Nó tập trung vào việc tạo ra một mối quan hệ tích cực với trẻ, trong khi vẫn xem xét cảm xúc của chúng và cha mẹ chỉ can thiệp khi cần thiết. Trẻ em được nuôi dạy kiểu này có xu hướng cư xử đúng mực hơn. Ảnh: Freepik.
3. Nói không với thái độ thiếu tôn trọng: Đừng ngần ngại khi con thiếu tôn trọng bạn hoặc người khác. Càng bỏ qua những hành vi xấu đó, trẻ càng nghĩ rằng việc thiếu tôn trọng là điều bình thường. Cha mẹ hãy thẳng thắn chỉ ra hành vi xấu và cho trẻ biết hậu quả của những hành động đó. Ảnh: Freepik.
4. Thảo luận về các hành vi thay thế: Khi con bạn có hành vi thiếu tôn trọng, hãy ngồi xuống và thảo luận về những cách khác mà con có thể áp dụng để xử lý tình huống tương tự. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về hành vi của mình, đồng thời giúp con rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Rất có thể trước đó, trẻ không biết rằng có những cách bình tĩnh hơn để đối phó với những tình huống như vậy. Ảnh: Freepik.
5. Trò chuyện một cách tôn trọng: La hét không giải quyết được vấn đề. Nếu con cãi lại và thể hiện sự thiếu tôn trọng, đó có thể là do chúng không biết cách cư xử. Nếu cha mẹ nói chuyện với chúng bằng giọng điệu tương tự, điều đó chỉ có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn. Phụ huynh hãy thử ngồi xuống và trò chuyện với con như những người bạn. Hỏi con xem con có muốn chia sẻ về những gì đã xảy ra không. Khi con cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, con sẽ dễ dàng mở lòng hơn và sẵn sàng thay đổi hành vi của mình. Ảnh: Pexels.
6. Kiên trì: Hành vi của trẻ được hình thành dần dần qua thời gian và sẽ không thay đổi ngay lập tức. Việc thay đổi đòi hỏi trẻ phải học hỏi, rèn luyện và hình thành những thói quen mới. Bằng cách kiên trì áp dụng những phương pháp nuôi dạy tích cực, cha mẹ có thể giúp con sửa đổi những hành vi tiêu cực. Ảnh: Pexels.
7. Nhận lỗi của bạn: Nếu bạn mắc sai lầm và bạn biết điều đó, đừng ngần ngại xin lỗi. Trẻ có thể học tập từ bạn và nhận ra rằng không có gì đáng xấu hổ khi xin lỗi. Chúng thậm chí có thể cố gắng thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ của mình khi thấy sự trung thực của cha mẹ. Ảnh: Freepik.
8. Khen ngợi hành vi tốt: Giao tiếp tích cực đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi tốt của trẻ. Do đó, cha mẹ hãy khuyến khích hành vi tích cực ở trẻ và khen ngợi khi chúng làm tốt. Khi trẻ biết rằng những hành động tốt của mình được ghi nhận, chúng sẽ có động lực để duy trì và phát triển những hành vi đó. Ảnh: Freepik.
Ngọc Bích