Làm giàu từ đồng đất quê hương

Làm giàu từ đồng đất quê hương
14 giờ trướcBài gốc
Nuôi cá rô đồng, mô hình mới hiệu quả kinh tế cao.-Ảnh: T.H
Biến ruộng hoang thành đồng lúa xanh tốt
Những năm trước, hình ảnh nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang không còn là chuyện hiếm gặp ở xã Hoàn Lão. Do chi phí sản xuất tăng cao, thiếu lao động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nông dân đã để mặc cho ruộng đồng hoang hóa.
Cũng như bao thanh niên khác trong làng, sau khi học xong, anh Phan Văn Hiên vào miền Nam để làm công nhân, rồi sang cả Malaysia để lao động. Mặc dù đã làm đủ nghề, lăn lộn đủ việc nhưng cuộc sống vẫn chẳng dư giả gì. Trở về quê, trên mảnh đất thuần nông cha ông để lại, anh quyết tâm khởi nghiệp.
Anh Hiên chia sẻ: Nông nghiệp là một nghề rất vất vả lại nhiều rủi ro do thời tiết bất lợi. Chúng tôi là người con sinh ra và lớn lên từ làng quê, đồng ruộng nên khi nhìn thấy các thửa ruộng hoang, tôi rất xót và nghĩ cần phải làm điều gì đó cho quê hương. Không để ruộng bỏ hoang, vợ chồng tôi đã liên hệ tới các gia đình để thuê lại ruộng và trồng lúa, gây dựng lại phương pháp làm nông nghiệp theo cách mới.
Đến nay, gia đình anh thuê ruộng trồng lúa đã được gần 4 năm, mỗi vụ khoảng 4ha, vụ hè-thu có khi lên đến 5-6ha. Từ khi thuê được ruộng của các hộ dân, gia đình anh cũng đã mua sắm máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để vừa giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo anh Hiên, canh tác nông nghiệp rất vất vả, cực nhọc, tốn rất nhiều công làm đất, gieo mạ cộng thời gian cấy mất cả tháng trời, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối ở trên đồng. Nhưng nay, từng ấy diện tích, vợ chồng anh chỉ gieo sạ trong 3-4 ngày.
Sau nửa tháng, thuê thêm người tập trung tỉa dặm, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khi lúa chín thì thuê máy đến thu hoạch; trong 2 ngày, thóc đã đóng gọn vào bao, tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập.
Năm 2024, lúa được mùa, được giá nên mỗi ha tôi thu về gần 30 triệu đồng tiền lãi. Năm nay, vụ đông-xuân thuận lợi nhưng vụ hè-thu do mưa trái mùa nên chúng tôi phải gieo lại toàn bộ diện tích. Dù gặp rủi ro do thời tiết nhưng gia đình chúng tôi vẫn không để ruộng bỏ hoang, quyết làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Bên cạnh mô hình lúa, cá, hiện gia đình anh còn nuôi thêm 500 con chim bồ câu, 30 con lợn, 300 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Đặc biệt, hàng năm, vào khoảng tháng 7 âm lịch, anh còn thả nuôi gần 1.000 con vịt chạy đồng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Đầu tư nuôi cá rô đồng
Bên cạnh đồng lúa xanh tốt, trên diện tích 2.500 m2 ao hồ của gia đình, anh Hiên đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá rô đồng. Đây là loài cá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh và quan trọng là thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán luôn ở mức cao.
Mô hình nuôi bồ câu của gia đình anh Phan Văn Hiên.-Ảnh: T.H
Anh Hiên cho biết: Trong quá trình nuôi, khâu quan trọng nhất là cải tạo ao và chọn con giống. Ao phải được vét bùn, rắc vôi bột để khử phèn, diệt tạp, phơi đáy từ 7-10 ngày trước khi lấy nước. Con giống phải chọn ở những cơ sở uy tín, khỏe mạnh, đều kích cỡ thì tỷ lệ sống mới cao. Năm đầu tiên, do không có kinh nghiệm nên anh đã mua phải con giống không rõ nguồn gốc, cá bị chết rất nhiều. Nhưng nay, anh đã tìm được nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, được cơ sở bảo đảm an toàn nên vụ nào anh cũng nuôi thành công.
Để giảm chi phí, bên cạnh thức ăn công nghiệp, anh Hiên còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như cám gạo, bột ngô để bổ sung nguồn thức ăn cho cá. Đặc biệt, anh còn tìm tòi học hỏi cách nuôi sâu canxi (ấu trùng của ruồi lính đen) để làm thức ăn cho đàn cá, đàn gà. Theo anh Hiên, nuôi sâu canxi khá đơn giản, chỉ cần những thức ăn, vật phẩm dư thừa trong bữa ăn của gia đình, bã bia, bã đậu nành, hèm rượu... là có thể nuôi được loại sâu này.
Vòng đời của sâu canxi chỉ kéo dài khoảng 45 ngày và chia ra các giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng, ruồi trưởng thành. Đến ngày thứ 30 là thời điểm thu hoạch sâu làm thức ăn cho gà và cá, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày.
Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới. Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thức ăn và nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi.
Trong quá trình nuôi cá rô đồng, anh luôn chú trọng đến việc quản lý môi trường nước, thường xuyên thay nước định kỳ và áp dụng các biện pháp phòng bệnh sinh học. Trong đó, anh đã tìm tòi học cách ủ tỏi với chế phẩm sinh học để phòng chống dịch bệnh cho cả cá và đàn vật nuôi, thay thế cho thuốc kháng sinh.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, với 2.500 m2 ao hồ, mỗi vụ, sản lượng thu hoạch đạt hơn 3 tấn cá thương phẩm, giá bán dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng từ hồ nuôi cá.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàn Lão Nguyễn Văn Hải cho biết: Anh Phan Văn Hiên là tấm gương sáng về tinh thần cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong lao động sản xuất. Sự nỗ lực của anh đã góp phần mở ra cách nhìn mới về phát triển kinh tế cho người dân địa phương, là tấm gương điển hình cho nhiều nông dân học hỏi.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để người dân không bỏ hoang ruộng đất, nhân rộng mô hình nuôi sâu can xi để làm thức ăn cho đàn vật nuôi nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thanh Hoa
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/lam-giau-tu-dong-dat-que-huong-195654.htm