Làm giàu từ nghề trồng đào

Làm giàu từ nghề trồng đào
4 ngày trướcBài gốc
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ruộng đào nằm ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, nơi canh tác hàng vạn gốc đào cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Xuyên lại tấp nập khách hàng ghé mua hoặc thuê đào về chơi Tết.
Niềm vui của anh Xuyên khi ruộng đào được mùa, bội thu.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực canh tác rộng hơn 3 mẫu, anh Xuyên cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề trồng và chăm sóc đào cảnh, từ ông nội, bố và tôi đều gắn bó với đồng đất quê hương.
Do ở thành phố, diện tích đất canh tác không nhiều nên tôi nhận thấy nếu chỉ phụ thuộc vào diện tích đất vườn của gia đình, quanh năm chỉ trồng 1 vụ đào thì nguồn thu không đáng kể. Hơn nữa, nhu cầu của người dân chơi đào Tết hiện nay rất đa dạng, từ chơi hoa với đào bích, đào phai, đào bạch… đến các dáng cây như đào cành, đào huyền, đào cổ thụ… Đó là những lý do để tôi quyết định tìm hướng phát triển kinh tế mới từ nghề trồng đào thay vì chỉ trồng đào cành như trước đây”.
Từ nguồn vốn tích cóp và vay mượn thêm của gia đình, bạn bè, năm 2020, anh Xuyên đã mạnh dạn thuê lại những thửa ruộng quanh năm chỉ cấy 1 vụ lúa trên địa bàn xã Thanh Trù để cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng đào.
Trên tổng diện tích hơn 3 mẫu ruộng, anh Xuyên chia thành các khu vực trồng đào khác nhau như khu trồng đào cành, khu trồng đào bonsai, khu trồng đào cổ thụ.
Năm đầu tiên trồng đào tại khu đất mới, vợ chồng anh Xuyên lặn lội xuống vườn đào ở Nhật Tân mua 1.000 gốc về trồng thử trên diện tích 1 mẫu ruộng. Năm đó, cây đào phát triển tốt nhưng không nở hoa vào dịp Tết nên cũng coi như mất mùa.
Không nản chí, anh mày mò học thêm kỹ thuật trồng đào qua sách, báo, mạng internet và đến các vườn đào ở Hà Nội, Sơn La... trao đổi kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Thường xuyên bám đất, bám ruộng, đến năm thứ 2, ruộng đào của gia đình anh đã nở hoa đúng vào dịp Tết, màu sắc hoa rất đẹp, cánh hoa lại to và bền, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ngoài đào cành, anh Xuyên mở rộng quy mô trồng và chăm sóc những gốc đào to, đào bonsai, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng.
Không ngại khó khăn, để “sưu tầm” những gốc đào, thân đào thế đẹp, anh lặn lội đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc mua gốc đào rừng về trồng lai ghép, tạo phôi.
Đối với đào thế, gốc to, anh đặc biệt chú ý trồng cây ở nơi nhiều nắng, nền cao dễ thoát nước, mật độ trồng đủ độ thoáng để cây đủ ánh sáng quang hợp, sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, anh hạn chế dùng phân bón hóa học, chủ yếu chăm bón phân vô cơ, phù hợp thổ nhưỡng địa phương và tỉ mỉ theo dõi sự sinh trưởng của cây, ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Đồng thời, anh chọn thời điểm lai ghép mắt đào, vặt lá, tỉa cành, hãm cho cây ra hoa đúng thời điểm trước Tết và tìm hiểu, học cách uốn tỉa, tạo thế cho cây lên chậu phục vụ nhu cầu chơi đào của người dân.
Hiện nay, sau 4 năm trồng đào, mô hình của gia đình anh đã cho nguồn thu ổn định, là “đầu mối” cung cấp đào cảnh cho thị trường thành phố Vĩnh Yên và các địa phương lân cận.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đông đảo khách hàng còn tìm đến mua đào tại ruộng bởi sự đa dạng về dáng, thế, gốc to, thân, cành đào với những bông hoa dày, nụ to, chơi bền.
Đào được bán tại vườn có nhiều mức giá khác nhau, đào cành có giá từ 150.000 - 500.000 đồng/cành; cây đào cổ có giá từ 3 - 15 triệu đồng/cây, tùy vào dáng cây, độ tuổi và đường kính gốc đào.
Bằng quyết tâm làm giàu từ nghề trồng đào trên mảnh đất quê hương cùng ý chí, nghị lực, sự cần cù, chịu khó, anh Xuyên đã gặt hái “trái ngọt”. Với hàng vạn gốc đào các loại, trung bình mỗi vụ Tết, gia đình anh Xuyên thu về khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5- 7 lao động thời vụ với thu nhập 5-7 triệu đồng/người.
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122043//lam-giau-tu-nghe-trong-dao