Đối với giáo dân, trong năm có các ngày lễ lớn, nhưng quan trọng nhất là ngày Chúa Giáng sinh (25/12) hay còn gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, lễ Noel. Để đón mừng ngày lễ, bà con cố gắng sống tốt đẹp hơn, làm nhiều việc thiện hơn. Giáo dân tâm niệm “giúp được cho người là làm thêm được một việc tốt, đem đến niềm vui cho người cũng là đem đến niềm vui cho chính mình”. Trước lễ Giáng sinh khoảng 10 - 15 ngày, nhiều giáo dân ở các xứ đạo sẵn lòng đóng góp tiền của, công sức trang trí nhà thờ, trong đó làm hang đá - mô phỏng nơi Thiên Chúa Giáng sinh có ý nghĩa đối với đồng bào giáo dân. Đây là nơi trang nghiêm, có vị trí đặc biệt trong lòng giáo dân, được nhiều người thạo nghề thực hiện công phu cẩn thận, chăm chút tỉ mỉ. Bởi hang đá là điểm nhấn nổi bật cho nhà thờ, giáo dân tự nguyện làm hết mình, không kể công khó nhọc.
Ông Trần Công Thành (61 tuổi, ngụ khóm Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) - giáo dân có thâm niên trên 37 năm làm hang đá cho biết, bản thân thiện nguyện làm hang đá cho nhà thờ từ khi chưa có vợ nên ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Không riêng ông, các đồng nghiệp, như: Phạm Công Liệt (phường Bình Khánh), Đinh Công Trí, Nguyễn Văn Nghĩa (phường Mỹ xuyên) cũng gắn bó làm hang đá đến vài chục năm, giàu kinh nghiệm.
Ông Trần Công Thành bên mô hình hang đá
Để làm được 1 hang đá, trước hết là khâu thiết kế khung, còn gọi là mô hình, với nhiều hình thể khác nhau, như: Hình chiếc xuồng bấp bênh, một vầng mây, một thác nước, sông núi hữu tình... Dù được xây theo chủ đề nào, nhưng đều gửi gắm các thông điệp ca ngợi tình cảm gia đình, tình cha con, mẹ con, vợ chồng, toát ra không khí ấm áp và thiêng liêng. Có nhiều loại hang đá, loại lớn 4 - 8m chiều rộng, 10 - 12m chiều cao, 8 - 10m chiều dài, được đặt ngoài sân nhà thờ và bên trong bố trí các hang đá kích cỡ nhỏ hơn. Hang đá đẹp, hoành tráng hay không phụ thuộc nhiều vào phần khung thiết kế mô hình. Trước đây, người ta thường sử dụng các loại cây, nhất là cây tre già. Bây giờ, hầu hết đều sử dụng khung sắt thép. Người xây hang thực hiện các phần việc dưới sự giám sát chặt chẽ của những người có kinh nghiệm.
Sau uốn khung, người thợ kết nối tấm lưới nhựa, chọn những vỏ bao tải, bó tạo hình theo kiểu các phiến đá để lấp vào hang. Sau khi tạo dáng, đưa đá lên khung, phun màu lên để chúng có ngoại hình, màu sắc giống như đá thật. Cuối cùng là khâu thiết kế, lắp đặt hệ thống đèn điện, đèn led chiếu sáng cho hang tạo cảm giác lung linh huyền ảo khi đêm xuống. Để bảo vệ hang đá phòng bị trời mưa, các thợ làm hang thiết kế hệ thống tấm bạt che, thậm chí dựng lán tạm thời. Bên trong hang đá được bố trí tượng Chúa Giê-su hài đồng, Đức mẹ Maria và ông Giu-se, tượng ba Vua, các thiên thần, mục đồng, loài vật, khung cảnh bầu trời đêm và những vì sao lấp lánh...
Thực hiện hang đá
Theo ông Thành, tùy điều kiện của các nơi, nhà thờ xây các hang với kích thước khác nhau. Đối với nhà giáo dân, dù không bắt buộc, nhưng nhiều người thường làm hang đá loại 2 x 4m chiều rộng, 4 - 6m chiều cao, 6 - 8m chiều dài. Tùy loại hang đá, cần hàng chục người làm vài chục ngày. Chi phí để thực hiện trung bình từ 25 - 30 triệu đồng. Những hang lớn hơn có thể từ 30 - 35 triệu đồng. Hoành tráng nhất trong các công đoạn làm hang đá chính là kéo, lắp đặt hệ thống đường điện. Trong đó, chỉ riêng kéo các đường điện để trang trí cũng phải tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng. Với chi phí mua vật liệu nhà thờ lo, còn các khoản khác bà con giáo dân tự nguyện đóng góp. Đáng nói, việc xây hang do giáo dân tự làm, không thuê và thực hiện thường niên.
Giống như giáo dân ở các xứ đạo, anh Võ Văn Phú (Giáo xứ Định Mỹ, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: Dịp Noel đối với người công giáo chúng tôi như ngày Tết. Dù làm ăn xa ở đâu, con cái, cháu chắt cũng cố gắng trở về nhà vào dịp này. Khoảng giữa tháng 12 hàng năm, không ai bảo ai đều tự động ra nhà thờ để xây, trang trí hang đá. Đây là việc chung của giáo xứ và là nét sinh hoạt văn hóa người công giáo, người nào việc ấy, ai cũng phấn khởi, tự nguyện thực hiện, công việc rất nhanh. Dịp này, cũng là cơ hội để bà con chòm xóm sum vầy, chia sẻ những chuyện gia đình, con cái, nhà cửa với nhau. Noel còn là dịp để giáo dân chúng tôi quên đi cuộc sống mưu sinh vất vả, cùng tưởng nhớ chúa trời, cầu mong an lành, chúc phúc mọi nhà.
N.R