Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, có những câu chuyện về những con người đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, và khi trở về với đời thường, họ vẫn tiếp tục tỏa sáng bằng nghị lực và ý chí vươn lên. Một trong số đó là ông Hỏa Đình Tứ, thôn Khao Đao, xã Thượng Lâm - hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình An.
Vị “Tư lệnh” trên mặt trận kinh tế mới
Đến thăm trang trại của ông Hỏa Đình Tứ, thôn Khao Đao, xã Thượng Lâm, chúng tôi thấy ông đang bận rộn chăm sóc vườn cây ăn quả. Khu vườn, nhờ bàn tay của ông trở nên xanh mát với nhiều loại cây ăn quả khá phong phú. Dưới gốc cây ăn quả, là rất nhiều gà, ngan, vịt…, tạo nên một cảnh sắc yên bình nơi làng quê. Vẫn mặc chiếc áo cũ của người lính, ông làm việc nhanh nhẹn, gọn gàng. Mời chúng tôi vào nhà, ông trò chuyện thân mật, cởi mở.
Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương ông Tứ đã bắt tay ngay vào phát triển kinh tế, rồi ông tham gia vào hội cựu chiến binh của thôn, rồi của xã. Với sự tận tâm và kinh nghiệm của một người lính, năm 2021 ông được tín nhiệm và bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của huyện Lâm Bình (huyện cũ).
Ông Hỏa Đình Tứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình An.
Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với hội viên, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các cựu chiến binh, đồng thời phát huy vai trò của cựu chiến binh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Tứ chia sẻ: Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, ông gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác vận động các hội viên phát triển kinh tế. Nhưng với kinh nghiệm sẵn có từ phát triển mô hình kinh tế của gia đình, ông đã từng bước khắc phục điều đó. Ông nhận thấy, đối với các hội viên, điều quan trọng nhất là phải giữ chữ tín, khi đã hứa với hội viên làm điều gì thì nhất định phải làm cho được.
Ban đầu, mọi người còn nghi ngại trước những lời nói của ông. Nhưng sau đó, mọi công việc của hội, ông đều không ngại xắn tay vào làm. Như khi ở huyện chủ trương làm đường, ông tự nguyện phá dỡ hàng rào, hiến đất, hay khi huyện phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ông cũng tiên phong đi đầu ủng hộ từ ngày công đến kinh phí.
Ông Tứ chia sẻ: Chứng kiến cảnh đồng đội phải sống trong những căn nhà xiêu vẹo, mỗi khi mưa bão lại lo âu, ông không khỏi xót xa. Thấy vậy ông đã kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân và Nhân dân cùng chung tay đóng góp kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình CCB khó khăn. Ông không ngại khó khăn, đích thân khảo sát, lên danh sách các trường hợp cần giúp đỡ, rồi kiên trì gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng doanh nghiệp để trình bày hoàn cảnh và kêu gọi sự ủng hộ.
Ông Hỏa Đình Tứ chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Với uy tín và tấm lòng chân thành của mình, ông đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng. Từ năm 2021 đến 30-6-2025, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lâm Bình ông đã kêu gọi, hỗ trợ kinh phí cho hằng chục căn nhà kiên cố, khang trang đã được xây dựng, mang lại mái ấm cho nhiều gia đình cựu chiến binh, giúp họ an cư lạc nghiệp và tính đến ngày 30-6, trên địa bàn huyện Lâm Bình (cũ) không còn hội viên CCB còn phải sống trong ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Nước mắt của nhiều người đã rơi khi nhận được chìa khóa ngôi nhà mới.
Với kinh nghiệm có sẵn từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình, ông còn chủ động tập huấn, truyền kinh nghiệm cho các hộ gia đình cựu chiến binh để phát triển kinh tế. Hội viên CCB nào không có vốn để phát triển kinh tế ông đã chủ động kết nối hội viên với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hướng dẫn họ làm thủ tục vay vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Trong thời gian ông làm Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Lâm Bình (2019 đến tháng 6-2025) toàn huyện có trên 70 mô hình làm kinh tế giỏi các cấp, tăng 31 mô hình so với năm 2019; giảm 378 hộ nghèo, 217 hộ cận nghèo; xóa được 14 nhà tạm cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn do hội viên đóng góp với số tiền giá trị gần 400 triệu đồng. Hội đã vận động hội viên tự nguyện hiến trên 4.000 m2 đất để xây dựng nông thôn mới…
Ông Hỏa Đình Tứ chăm sóc đàn cá tầm giống của gia đình.
Điển hình làm kinh tế giỏi
Không chỉ là một cán bộ hội cựu chiến binh gương mẫu, ông Hỏa Đình Tứ còn là một điển hình về làm kinh tế giỏi ở địa phương. Với tư duy nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm của người lính, ông đã biến những mảnh đất cằn cỗi thành những trang trại trù phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại, ông sở hữu trên 3 ha rừng keo và quế, những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế bền vững. Đặc biệt, từ năm 2019 ông đã trồng trên 2,6 ha cam sành với trên 600 gốc đến nay cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Cam sành của gia đình ông được nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt và hương vị đặc trưng.
Không dừng lại ở đó, ông còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đặc sản. Hiện tại, trang trại của ông đang nuôi trên 400 con cá tầm giống. Đây là một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi kỹ thuật nuôi phức tạp, nhưng với sự tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, ông đã thành công trong việc phát triển mô hình này, mở ra hướng đi mới cho kinh tế gia đình và góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Câu chuyện về ông Hỏa Đình Tứ là minh chứng sống động cho tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới. Với những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của mình, ông đã và đang thắp sáng hy vọng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhiều hội viên cựu chiến binh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Minh Hoa