Học sinh Trường THCS Thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh sử dụng phương pháp đóng vai trong giờ học.
Thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Ngữ văn trường TH&THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết: STEM vốn gắn với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nhưng hoàn toàn có thể kết hợp vào Ngữ văn để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, đặc biệt là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng hợp tác.
Trong thực tế, môn Ngữ văn không chỉ là môn học cảm thụ mà còn rèn luyện tư duy, kỹ năng ngôn ngữ, sáng tạo và giải quyết vấn đề trong đời sống.
Vì vậy, các yếu tố trong STEM có thể hỗ trợ học sinh hiểu sâu hơn về nội dung văn bản, mở rộng kiến thức liên môn và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Tuy nhiên cách tích hợp cần linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với đặc trưng bộ môn.
Theo gợi ý của thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Ngữ văn có thể vận dụng STEM thông qua các dự án học tập liên môn.
Ví dụ, khi dạy đọc hiểu văn bản truyện "Chiếc lược ngà", giáo viên có thể tổ chức hoạt động thiết kế mô hình chiếc lược bằng vật liệu tái chế (kỹ thuật), tìm hiểu quy trình làm lược từ ngà voi thời xưa (khoa học - lịch sử), sử dụng phần mềm thiết kế 3D mô phỏng (công nghệ), tính toán kích thước, tỷ lệ (toán học).
Khi dạy đọc hiểu tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu, học sinh có thể xây dựng bản đồ chiến dịch qua các địa danh trong bài thơ (công nghệ - địa lí), nghiên cứu khí hậu, địa hình ảnh hưởng đến đời sống chiến sĩ (khoa học), từ đó hiểu rõ hơn hoàn cảnh và cảm xúc được thể hiện trong tác phẩm.
Hoặc, giáo viên có thể sử dụng phần mềm thuyết trình, dựng video, sơ đồ tư duy số, chatbot nhân vật để học sinh trình bày cảm nhận hoặc tái hiện nội dung văn bản; thiết kế infographics để phân tích nhân vật, chủ đề tác phẩm.
Thầy cô cũng có thể tổ chức hoạt động giải quyết vấn đề sáng tạo theo thực tiễn bằng cách: Cho học sinh đóng vai nhà báo đi điều tra về một vấn đề xã hội liên quan đến văn bản (kết hợp khoa học xã hội); dựng kịch, thiết kế trang phục nhân vật bằng vật liệu tái chế, chế tạo đạo cụ (kỹ thuật - công nghệ - mỹ thuật); lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông về giá trị văn học/dân gian (vận dụng kiến thức đa lĩnh vực, lập ngân sách - toán học).
Khuyến khích học sinh tư duy phản biện và trình bày luận điểm có lập luận logic: Phân tích, đánh giá các hiện tượng văn hóa - xã hội trong văn học bằng mô hình tư duy phản biện (giống trong giáo dục STEM).
Tuy nhiên, khi vận dụng STEM trong dạy học Ngữ văn, theo thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên cần lưu ý: Vận dụng linh hoạt, phù hợp để đạt hiệu quả; phải đảm bảo trọng tâm là phát triển năng lực ngữ văn (đọc hiểu, cảm thụ, viết, nói - nghe). Tránh làm dụng dạy học theo hình thức, không biến tiết học văn thành tiết học kỹ thuật hay toán học; lựa chọn nội dung phù hợp với trình độ học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường.
Hải Bình