'Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm' để khởi công đường sắt nối với Trung Quốc trong năm nay

'Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm' để khởi công đường sắt nối với Trung Quốc trong năm nay
4 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng được giao chủ động làm việc với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng làm cơ sở cho các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các công việc này bộ phải hoàn thành trong tháng 6 năm nay.
Thêm vào đó, người đứng đầu Bộ Xây dựng phải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các thủ tục khác của dự án.
Chính phủ dự kiến khởi công đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: V.LONG
“Kiên quyết không để việc sau chờ việc trước, với tinh thần làm việc "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", làm việc "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", hoàn thành các thủ tục, khởi công dự án vào ngày 19-12 năm nay.
Trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng huy động nhân lực từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội để tăng cường, hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện…”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cũng cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tờ trình Nghị quyết Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đầu tư phát triển hệ thống đường sắt tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào cuối năm nay.
Các bộ còn lại được giao căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện phối hợp với các tỉnh đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của trung ương và địa phương năm 2025 để ưu tiên bố trí thực hiện dự án…
Ngoài ra, Thủ tướng giao các địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Trưởng ban chỉ đạo phải do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy đứng đầu để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư cho người dân được Thủ tướng ấn định thời gian hoàn thành là trong 8 tới đây.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Bộ Xây dựng lập, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài hơn 417 km, gồm tuyến chính hơn 390 km và hai tuyến nhánh 27 km. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, Hải Phòng.
Dự án đi qua 9 tỉnh thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến được quy hoạch là đường đôi nhưng giai đoạn đầu xây dựng đường đơn, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tàu khách và tàu hàng lựa chọn công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực tập trung, khai thác với tốc độ 120-160 km/h tùy đoạn.
Tổng mức đầu tư dự án là 203.231 tỉ đồng (khoảng 8,396 tỉ USD), từ nguồn vốn đầu tư công, trái phiếu, vốn ODA…
Trong đó, vốn ODA hiện nay các cơ quan liên quan của Việt Nam đang tích cực trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc về sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ nước này. Cụ thể, hai bên đang xác định quy mô khoản vay, lãi suất và các điều kiện ràng buộc của khoản vay.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phải hoàn thành vào năm 2030.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/lam-ngay-khong-du-tranh-thu-lam-dem-de-khoi-cong-duong-sat-noi-voi-trung-quoc-trong-nam-nay-post847555.html