Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda, cảnh báo giá thực phẩm tăng có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát của người dân.
Lạm phát bán buôn là mức tăng giá hàng hóa và dịch vụ ở cấp độ bán buôn, phản ánh chi phí sản xuất và phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, chi phí nguyên liệu có thể tiếp tục tăng do áp lực lạm phát, nhưng một số lo ngại về xu hướng tiêu dùng giảm có thể khiến BOJ chưa vội tăng lãi suất.
Chi phí thực phẩm tăng cao ảnh hưởng tới tâm lí người tiêu dung Nhật Bản. Ảnh: Japan Intercultural Consulting
Ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, nhận định: “Dù tiền lương tăng trưởng ổn định, giá thực phẩm và năng lượng leo thang vẫn tác động đến tâm lý người tiêu dùng, kìm hãm sự phục hồi trong chi tiêu hộ gia đình. Do đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có rất ít lý do để đẩy nhanh việc tăng lãi suất.”
Trong tháng 1, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) tăng 4,2%, vượt mức dự báo 4% và cao hơn mức tăng đã điều chỉnh 3,9% của tháng 12. Giá nông sản tăng mạnh 36,2%, trong khi chi phí thực phẩm tăng 2,9%, chủ yếu do giá gạo, trứng và thịt leo thang. Giá năng lượng cũng đi lên do chính phủ cắt giảm trợ cấp. Bên cạnh đó, giá dệt may, nhựa và kim loại màu cũng ghi nhận mức tăng rộng khắp.
Chỉ số giá nhập khẩu tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể làm giảm kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm lãi suất, qua đó đẩy giá nhập khẩu tiếp tục tăng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) tăng, với lợi suất kỳ hạn 10 năm đạt 1,37%, cao nhất trong 15 năm, trước khi giảm xuống 1,365%, vẫn cao hơn 2,5 điểm cơ bản so với trước đó.
Theo bà Naomi Muguruma, chuyên gia tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, áp lực lạm phát kéo dài có thể khiến BOJ tiếp tục tăng lãi suất trong những năm tới.
“Kinh tế Nhật Bản chưa ở giai đoạn buộc BOJ phải tăng lãi suất để kiềm chế nhu cầu,” bà Muguruma nhận định. “Tuy nhiên, do chi phí nguyên liệu và lao động gia tăng, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá, và BOJ sẽ nâng lãi suất lên mức phù hợp với tình hình kinh tế,” bà cho biết.
BOJ cũng khẳng định sẵn sàng tăng lãi suất nếu chi tiêu tiêu dùng cải thiện nhờ mức lương tăng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ.
Lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản đạt 3,0% vào tháng 12, mức cao nhất trong 16 tháng, và đã duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ trong gần ba năm qua.
Khánh Vân