Một số nhà kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng này có thể giúp Fed cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút nhưng sẽ không thay đổi kỳ vọng về việc tạm dừng giảm lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này.
Khách hàng mua thực phẩm ở một siêu thị tại Nam Burlington, bang Vermont, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 15-1, sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 12 tăng hàng tháng 0,4% và tăng hàng năm 2,9%, đánh dấu tốc độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 7. Các mức tăng này khớp với dự báo của các nhà kinh tế.
Phần lớn mức tăng của CPI là do giá năng lượng tăng 2,6% trong tháng cuối năm, được thúc đẩy bởi mức tăng 4,4% của giá xăng. Giá thực phẩm cũng tăng 0,3% trong tháng 12. Tính trên cơ sở hàng năm, giá thực phẩm tăng 2,5%, trong khi giá năng lượng giảm nhẹ 0,5%.
Tuy nhiên, CPI cốt lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, dịu lại với mức tăng hàng năm 3,2% trong tháng 12 so với mức tăng 3,3% duy trì liên tục trong 3 tháng trước đó. Trên cơ sở hàng tháng, CPI cốt lõi tăng 0,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Trong tháng 12, chi phí nhà ở, chiếm khoảng 1/3 rổ CPI. tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng năm yếu nhất kể từ tháng 1-2022. Giá dịch vụ không bao gồm tiền thuê nhà tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, chậm nhất kể từ tháng 2-2024.
Mặc dù số liệu lạm phát cốt lõi đang cải thiện nhưng Fed còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
“Số liệu CPI hôm nay có thể giúp Fed cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút nhưng sẽ không thay đổi kỳ vọng về việc tạm dừng giảm lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này. Tuy nhiên, các số liệu này sẽ giúp hạn chế một số cuộc thảo luận về khả năng Fed tăng lãi suất”, Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley Wealth Management nói.
Trên thị trường lãi suất tương lai, nhà đầu tư đặt cược gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 1. Nhà đầu tư kỳ vọng lần giảm lãi suất tiếp theo có thể sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Sung Won Sohn, giáo sư tại Đại học Loyola Marymount và là nhà kinh tế trưởng của SS Economics, cho biết, chặng cuối trong cuộc chiến chống lạm phát đang khó khăn do tiến độ giảm áp lực giá cả chậm lại.
“Các động lực chính của lạm phát bao gồm giá xăng, thực phẩm, xe cộ và nhà ở vẫn là những thách thức dai dẳng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu hy vọng rằng. Áp lực lạm phát dài hạn có thể tiếp tục giảm bớt, nhờ xu hướng dịu lại trong các lĩnh vực quan trọng như chi phí nhà ở và phí lao động”, Sung Won Sohn nói.
Báo cáo CPI được công bố trong bối cảnh thị trường lo lắng về phản ứng ứng phó tiềm tàng của Fed nếu chính sách thuế quan và trục xuất người nhập cư trái phép hàng loạt theo dự kiến của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến lạm phát trỗi dậy.
Thị trường việc làm ở Mỹ trong tháng 12 mạnh hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế, với mức tăng 256.000 việc làm càng làm dấy lên lo ngại Fed có thể giữ nguyên lãi suất trong một thời gian dài và thậm chí cân nhắc tăng lãi suất nếu lạm phát kéo dài dai dẳng.
Báo cáo CPI tháng 12 cùng với số liệu tương đối yếu của chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố hôm 14-1 cho thấy, dù lạm phát không hạ nhiệt đáng kể nhưng cũng không có dấu hiệu tăng tốc trở lại.
Dữ liệu lạm phát cải thiện đã nhen nhóm sự lạc quan trở lại ở Phố Wall, với các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất kể từ ngày 6-11. Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Dow Jones tăng hơn 700 điểm, tương đương 1,65%. Hai chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt tăng 2,45% và 1,83%.
“Nhà đầu tư đang thở phào nhẹ nhõm khi các số liệu CPI cốt lõi và PPI đều thấp hơn một chút so với dự báo. Có lẽ quan trọng nhất là số liệu CPI hôm nay đã loại bỏ khả năng Fed tăng lãi suất trở lại, điều mà một số nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu định giá quá sớm”, John Kerschner, nhà quản lý danh mục đầu tư của Janus Henderson Investors nói.
Theo CNBC
Chánh Tài