Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt
Số liệu vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 chỉ tăng 0,07% so với tháng trước và nguyên nhân chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng.
Mức tăng này là khá thấp, góp phần đưa CPI bình quân 4 tháng chỉ còn tăng 3,2% so với cùng kỳ, lùi xa so với ngưỡng 4% mà nhiều năm nay, Chính phủ luôn đặt ra để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, lạm phát đang được kiểm soát tốt. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh điều này.
Chỉ ra mức CPI tháng 4/2025 tăng 1,37% so với tháng 12/2024 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng tăng 3,2%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định”.
Tuy vậy, khi đề cập các thách thức của nền kinh tế, Bộ trưởng cũng đã cho biết, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát.
Giá cả thị trường cơ bản ổn định trong 4 tháng đầu năm 2025.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 4/2025, Bộ Tài chính cho biết, trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2025 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giá ổn định.
Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng cao nhất, với mức tăng 0,62%); Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,15%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,12%); Nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,11%); Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,1%); Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,02%) và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,01%).
Ngược lại, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm Nhóm bưu chính, viễn thông (giảm 0,15%) và Nhóm giao thông (giảm 1,05%). Trong khi đó, Nhóm giáo dục ổn định.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, lạm phát cơ bản tháng 4/2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân bốn tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%).
Tăng cường công tác điều hành, quản lý nhà nước về giá
Việc chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt trong 4 tháng đầu năm, ngoài yếu tố thị trường, còn có nỗ lực trong công tác điều hành giá và quản lý nhà nước về giá.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4/2025, các bộ ngành, địa phương đã tổ chức thẩm định 532 phương án giá, trong đó Bộ Tài chính thẩm định 124 phương án giá thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong khi đó, các địa phương thẩm định 408 phương án giá thuộc thẩm quyền của địa phương.
Về công tác kê khai giá, tiếp nhận và rà soát biểu mẫu kê khai giá, trong tháng 4/2025, các cơ quan quản lý nhà nước về giá đã tiếp nhận 13.470 hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (tăng 5,8% so với tháng 3/2025). Trong đó, cơ quan cấp Bộ tiếp nhận 1.836 hồ sơ, cơ quan cấp tỉnh tiếp nhận 11.634 hồ sơ.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 4/2025, các cơ quan quản lý nhà nước về giá đã tổ chức 175 cuộc thanh tra, kiểm tra về giá (tăng 23% so với tháng 3/2025), tập trung vào các lĩnh vực: vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, gas, dịch vụ vận tải và các mặt hàng thiết yếu khác. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 65 vụ vi phạm (tăng 15% so với tháng 3/2025) với tổng số tiền xử phạt là 2,3 tỷ đồng.
Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không để trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng; đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ trong quý II sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Cùng với đó, đề nghị Bộ Công thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện; triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh.
Với Bộ Tài chính, Bộ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước để triển khai các chủ trương, chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước; trong quý II/2025 trình Chính phủ Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các ngành dịch vụ ăn uống, bán lẻ…
Hà Nguyễn