NHTW châu Âu - ECB
Theo đó, lạm phát tại 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro vẫn đứng ở mức 2,2% trong tháng 4, không thay đổi so với tháng 3, nhưng cao hơn kỳ vọng là 2,1% trong cuộc thăm dò của Reuters đối với các nhà kinh tế khi giá dịch vụ và thực phẩm chưa qua chế biến tăng đã xóa nhờ sự sụt giảm chi phí năng lượng.
Đặc biệt, giá dịch vụ tăng đột biến đã đẩy lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, tăng lên 2,7% từ 2,4%, cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia là 2,5%, cho thấy áp lực giá trong khu vực cao hơn dự kiến.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của ECB thường rất coi trọng các dữ liệu về lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản, song theo các nhà phân tích, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới có thể quan trọng hơn nhiều trong quá trình chuẩn bị cho cuộc họp chính sách của NHTW châu Âu (ECB) vào ngày 5/6 tới.
"Mức độ không chắc chắn cao xung quanh triển vọng tăng trưởng toàn cầu và khu vực đồng euro ngụ ý rằng ECB có thể không chú ý nhiều đến các con số lạm phát cao hơn dự kiến trong tháng 4 tại cuộc họp tháng 6", các nhà kinh tế của Nordea cho biết trong một lưu ý.
Hiện các nhà đầu tư tài chính tiếp tục thấy khoảng 85% khả năng lãi suất đồng euro sẽ được cắt giảm vào ngày 5/6 và sau đó ít nhất một động thái nữa trước khi kết thúc năm, điều này sẽ đưa lãi suất tiền gửi của ECB xuống 1,75% hoặc thấp hơn.
Ngay cả các nhà hoạch định chính sách, qua những phát biểu trực tiếp và gián tiếp, cũng đã bắt đầu mở đường cho đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 8 của ECB khi cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ gây sức ép lên giá cả và thậm chí có thể kéo lạm phát xuống dưới mục tiêu.
Nếu như ECB trước đó chỉ thấy lạm phát trở lại mục tiêu vào năm 2026, thì các nhà hoạch định chính sách hiện cho biết, mục tiêu về cơ bản đã đạt được. Điều này là do xung đột thương mại làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế đầu tư, đồng thời đã đẩy giá năng lượng xuống và làm đồng euro mạnh lên, khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn...
Theo nhà kinh tế Riccardo Marcelli Fabiani tại Oxford Economics, việc lạm phát cơ bản tăng trong tháng 4 không làm thay đổi triển vọng giảm lạm phát. "Sự hỗn loạn trên thị trường tài chính trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể giá dầu quốc tế, điều này không chỉ kéo lạm phát năng lượng xuống mà còn có nghĩa là đầu vào rẻ hơn cho sản xuất hàng hóa", ông nói.
Mặc dù nền kinh tế thế giới phân mảnh hơn cuối cùng có thể làm tăng chi phí sản xuất, nhưng rủi ro tăng giá này được coi là khá hạn chế và kỳ vọng lạm phát dài hạn của các nhà đầu tư vẫn giữ vững quanh mục tiêu 2% của ECB.
Bên cạnh đó theo các nhà kinh tế, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng cũng có thể thúc đẩy giá cả vì điều đó chắc chắn sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, nhưng bất kỳ khoản chi tiêu nào như vậy vẫn còn trong tương lai và có thể chỉ có tác động hạn chế đến giá cả.
Hà Vy